Bỏ qua cái hình mình họa (đính kèm) ông tổng thống khá là Hippi. Tôi thích đi tìm sự giải thích cho những điều bất hợp lý.
Đầu tiên cần tìm hiểu khái niệm Dollar hóa (Dollarization)
Bạn có thể Google để xem chi tiết, nhưng nôm na hiểu đó là việc sử dụng hoàn toàn tiền tệ của một nước khác thay vì sử dụng tiền tệ do nước mình phát hành.
Mọi vấn đề đều có 2 mặt: Tình hình kinh tế và sự lạm phát đòi hỏi tình huống cấp bách là phải Dollar hoá nền kinh tế để giữ vững sự ổn định, tìm giải pháp vực dậy.
Ví dụ đồng tiền bản xứ lạm phát đến mức từ đầu tháng đến cuối tháng nó chỉ còn 50% giá trị, thì bạn gần như không thể nào thuê lao động bằng tiền lương tính bằng nội tệ. Không có lao động thì không có sản xuất và tất nhiên kinh tế càng lúc càng khốn khổ.
Dollar Hóa lúc này là giải pháp chẳng đặng đừng, nhưng nó vẫn có lợi khi lâm vào tình huống khủng hoảng.
Kiểu như thà ăn thực phẩm bẩn và chết trong 20 năm tới, còn hơn không ăn gì hết mà chết trong 20 ngày tới. Cố gắng sống thêm 10 năm sẽ có cơ hội ăn thực phẩm sạch, từ đó kéo dài tổng tuổi thọ lên 30 năm.
El Salvador là một ví dụ điển hình về việc Dollar hóa toàn phần hệ thống tiền tệ của mình (khái niệm Dollar hóa toàn phần hoặc 1 một phần là như nào mời bạn Google, phạm vi bài viết này không viết chi tiết).
Thế nhưng tiền tệ là một công cụ điều tiết và phát triển nền kinh tế.
Việc không dùng nội tệ tương đương với việc bạn phó thác số phận cho đất nước mà đồng tiền đã Dollar hóa nền kinh tế của nước bạn.
Đồng tiền tăng hoặc giảm có cả yếu tố chủ quan lẫn khách khách quan và tùy theo chính sách phát triển kinh tế mà điều tiết. Các bạn học kinh tế thì sẽ hiểu rõ, nhưng các bạn không tìm hiểu vấn đề tiền tệ thì dễ lầm lẫn việc đồng tiền rớt giá là tương đương lạm phát.
Thật ra, đồng tiền rớt giá có 2 nguyên nhân chính: lạm phát và phá giá.
Quốc gia chủ quản cố tình phá giá đồng tiền của mình để tạo lợi thế xuất khẩu cũng như tiêu thụ sản phẩm/dịch vụ trong nước.
Ví dụ tiền Thái và tiền Việt đều có 1 tỉ giá là 10 đồng ăn 1 USD. Cả 2 quốc gia đều bán gạo.
Thái bán 1 bao 5 đồng Thái, và Việt bán 1 bao 5 đồng Việt. Tương đương 1 USD mua được 2 bao gạo (hoặc của Thái, hoặc của Việt).
Lúc này anh Việt cân đo đong đếm giá sản xuất thì thấy bán 2.5 đồng /1 bao gạo vẫn có lãi. Thế là anh Việt tự phá giá đồng tiền của mình thành 20 đồng ăn 1 USD.
Giả như các bao gạo đều cùng chất lượng thì gần như ngay lập tức anh Việt dành hết thị phần của anh Thái.
(Ở trên là một ví dụ rất cơ bản về việc sử dụng đồng tiền như một công cụ tài chính, phát triển kinh tế).
Bây giờ, giả dụ như anh Lào láng giềng bị Dollar Hóa, buộc sử dụng tiền VN như đồng tiền hợp pháp và chính thức tại Lào. Anh Lào hiện chỉ làm đủ ăn, sản xuất vừa đáp ứng gần đủ cho nhu cầu trong nước. Ngoài ra phải nhập khẩu nhiều mặt hàng thiết yếu.
Tự nhiên ông Việt phá giá đồng tiền (như case trên), sẽ dẫn đến câu chuyện ông công nhân Lào từ đầu tháng lương có thể mua 10 ổ bánh mì, nhưng đến cuối tháng lương chỉ còn có thể mua 5 ổ… bởi vì bánh mì là mặt hàng ông Lào phải nhập khẩu từ… ông Campuchia chẳng hạn.
Ông Lào không thể nói ông Việt đừng phá giá tiền tệ, vì quyết định chính sách của ông Việt là căn cứ vào quyền lợi của Việt, không quan tâm Lào bị gì.
Ông El Salvador đã rơi vào tình cảnh đó, chỉ biết ngồi nhà cầu nguyện chính sách tiền tệ của Mỹ nó phù hợp với tình hình kinh tế hiện tại.
Nhỡ như ông Mỹ nâng giá USD trong lúc El Salvador cần giá thấp, hoặc ngược lại… thì chỉ biết ngậm bồ hòn làm ngọt tự mình an ủi thân phận hẩm hiu của mình.
Tất nhiên ông Mỹ khi điều tiết USD thì chả quan tâm gì đời sống hay sự phát triển của El Salvador, nếu có thì việc này nằm ở tận cùng của cái danh sách 1 Triệu vấn đề nước Mỹ cần quan tâm.
Rồi E.S lại chơi quả “Bitcoin Hóa” tiền tệ.
Các vấn đề hên xui may rủi như Dollar Hóa, cũng y như vậy.
Nhưng còn khốn nạn hơn thế.
Ví dụ ổng cần vay World Bank một khoản nào đó thì gần như bế tắc khi thương thảo v/v thanh toán khoản nợ. Chắc cú là World Bank không thu nợ bằng Bitcoin rồi, trừ khi cái Bitcoin được hợp pháp hóa toàn cầu, hoặc ít nhất là hợp pháp hóa trong khối G7.
Khoản vốn vay phát triển đất nước bị ách tắc. Khi Dollar hóa, dù sao thì oan có đầu, nợ có chủ. Ví dụ cứ 1,000 USD là mua được 10m2 đất ở Mỹ, hoặc 1,000m2 đất ở El Salvador.
Chắc chắn là nước Mỹ không có quyền từ chối nhận thanh toán bằng USD của họ nếu các vấn đề pháp lý khác đều hợp lệ.
Như vậy nôm na có thể hiểu rằng 1,000m2 đất El Salvador đổi được 10m2 đất ở Mỹ
Cái “nôm na” trên ngay lập tức không có giá trị tương tự khi chuyển từ Dollar Hóa sang Bitcoin hóa.
Ấy là chưa nói, kiểu như Elon Musk tự nhiên sáng ra phấn khích đi Tweet: “I love Bitcoin again”… giá Bitcoin vô duyên vô cớ tăng gấp đôi.
Nghĩa là 1 bitcoin đang mua được một mảnh đất ở E.S thì giờ mua được 2 mảnh đất tổng diện tích gấp đôi. Nghĩa là nợ quốc gia lại đè lên đầu mấy thằng dân đen gần như gấp đôi.
À tất nhiên tôi không phải là nguyên thủ quốc gia, càng không phải là chuyên gia kinh tế vĩ mô… tôi không khẳng định được cục diện của E.S sẽ như thế nào khi Bitcoin đang vận hành tại đây.
Chỉ là chút bình luận như bình luận về khả năng thắng thua của đội tuyển VN ở vòng loại WC ấy… có thể đúng, có thể sai.
Sự hợp lý nhất có thể thấy trong câu chuyện này là hình như cả cái đất nước El Salvador dự định biến mình thành một thiên đường thuế và rửa tiền… phát triển kinh tế theo định hướng underground luôn.
Nếu đúng như vậy thì chúc mừng các bạn đang giữ Bitcoin, kiểu gì thì nó cũng sẽ vượt ngưỡng 100k USD/1 Bitcoin nếu trên thế giới xuất hiện một thị trường đen tầm cỡ quốc gia như thế.