• 19/02/2020

Ngày càng nhiều quán cafe mọc lên như nấm, có quán thành công, có quán thất bại, có quán mở rộng thành chuỗi lớn, có quán nhiều năm trôi qua vẫn không mở rộng được.

Bạn ấp ủ một kế hoạch mở quán cafe với số vốn nhỏ trong tay, rất cần được chia sẻ kinh nghiệm để tăng khả năng thành công cho bản thân, nhưng kinh nghiệm thì tam sao thất bản, có cái đúng, cái không, không đâu kiểm chứng được.

Mở quán cà phê ư?
Mở quán cà phê ư?

May thay, một người từng trải qua quá trình xây dựng quán / chuỗi cafe thành công đã ngồi lại và chia sẻ với chúng ta những kinh nghiệm quý báu.

Mong rằng những kiến thức dưới đây sẽ tiếp thêm niềm tin và giúp bạn thành công với kế hoạch mở quán cafe sắp tới.

Hãy bắt đầu với …

Nội dung chính

Nguyên tắc 3P khi mở quán Cafe

PLACE – PLACE – PLACE (Địa điểm – Địa điểm – Địa điểm)

Đó là thông điệp mà rất nhiều người trong ngành cafe rỉ tai nhau ngụ ý để đánh giá tầm quan trọng của yếu tố địa điểm trong kinh doanh quán Cafe.

Sẽ không đầy đủ khi chỉ đánh giá sự thành công của một quán cafe qua mặt bằng vì các yếu tố như chủ đầu tư, người quản lý, sản phẩm, dịch vụ… cũng chiếm trọng số không ít khi kinh doanh quán Cafe.

Yếu tố 3P trong kinh doanh quán cafe là gì?
Yếu tố 3P trong kinh doanh quán cafe là gì?

Nhưng ở đây hãy cứ tập trung trước vào yếu tố mặt bằng để có cái nhìn dễ hiểu hơn về tầm quan trọng cũng như tác động của mặt bằng đối với hiệu quả kinh doanh của quán Cafe.

Hãy luôn nhớ rằng Khách hàng thường xuyên của bạn sẽ luôn là người sinh sống hoặc làm việc gần quán của bạn. Một mặt bằng đẹp là mặt bằng tiện lợi cho: Ghé qua, để xe, không gian phù hợp.

Theo chia sẻ từ 1 chủ quán cafe, có 1 số tiêu chí ảnh hưởng (sắp xếp theo thứ tự) đến doanh thu của quán cafe như sau:

  • Lượng mặt tiền của quán: Các quán 2 mặt tiền có mức doanh thu tốt hơn khoảng 40% so với quán cùng diện tích, gần nhau về điều kiện dân cư nhưng chỉ có 1 mặt tiền.
  • Diện tích quán: Yếu tố này có quan hệ mật thiết tới yếu tố chất lượng thiết kế, số lượng ghế nên khỏi phải nói nó có tỉ trọng ảnh hưởng đến doanh thu như thế nào. Hiện tại để có mức doanh thu ổn thì quán cafe phải có diện tích trên 30m2.
  • Số lượng xe chứa được / Số lượng khách tối đa: Đừng quên tính toán lượng để xe.
  • Xe nhanh hay xe chậm: quán ở góc đường, ngã ba, ngã tư với tốc độ xe chậm sẽ có doanh thu tốt hơn quán đặt ở vị trí bình thường.
  • Lượng quán cafe khác trên cùng trục đường: Nhiều anh chị sợ có nhiều quán thì cạnh tranh nhau tuy nhiên càng nhiều quán càng tốt bởi vì khu vực đó đã được định hình trong tâm trí khách hàng là khu vực có quán Cafe. Mỗi quán sẽ có định vị riêng nhất là với các quán mới sẽ được thụ hưởng lượng khách có sẵn tại khu vực.
  • Khả năng thuê nhân sự thời vụ: Sẽ rất khó nếu trường hợp nhân sự toàn thời gian nghỉ đột ngột khiến bạn không kịp trở tay. .
  • Sự tập trung của tệp khách hàng: Trong cung đường bạn đang mở quán lượng khách hàng mục tiêu ước đạt bao nhiêu, ví dụ như phân khúc dân văn phòng thì là lượng công ty; phân khúc công nhân thì là khu công nghiệp, nhà máy; phân khúc sinh viên thì bao nhiêu trường ĐH, CĐ v.v

Mở quán cafe có dễ và nhàn hạ?

Đó chính xác là tư duy và suy nghĩ của rất rất nhiều anh chị muốn mở quán Cafe.

Đi ăn hay đi uống gì đó thấy người ta làm đồ uống, đồ ăn cũng chả ngon gì mà khách ra vào liên tục, giá bán thì cao trong khi làm ra phần nước có mấy ngàn chứ nhiêu.

Thế là cứ nghĩ buôn bán cafe là dễ ăn, chỉ cần pha cafe, đường, đá là bán được rồi. Tháng thu tầm 10 triệu bỏ túi vẫn sướng hơn đi làm công cho người ta nhiều.

Mở quán cà phê có dễ và nhàn hạ?
Mở quán cà phê có dễ và nhàn hạ?

Ít áp lực, được tự do về thời gian, tài chính ổn định, được mang danh là chủ quán vân vân và mây mây.

Than ôi! Nhiều lúc tôi chỉ muốn lấy gáo nước tạt cho những người này cho tỉnh ngủ thôi. Sự thật nó chẳng phải như anh chị nghĩ đâu.

Đừng bỏ lỡ:  Kinh doanh không cần vốn? Đây là con đường bạn nên đi theo

1. Tư duy làm chủ và làm thuê khác nhau ra sao

  • Làm chủ là bạn phải thức khuya dậy sớm | Làm thuê đi muộn tí cùng lắm là bị trừ lương thôi
  • Làm chủ bạn đang tiêu tiền của bản thân | Làm thuê bạn được tiêu tiền của người khác
  • Làm chủ là bỏ tiền túi ra, làm gì cũng sợ mất | Làm thuê thì đúng giờ, đúng ngày là nhận lương
  • Làm chủ là cung phụng khách hàng và nhân viên | Làm thuê được chủ cung phụng
  • Làm chủ là phải làm sao cho nhận sự đừng có bỏ quán | Làm thuê không chỗ này thì chỗ kia
  • Làm chủ là phải biết tính toán lãi lỗ | Làm thuê tính lương cuối tháng là được rồi

2. Làm quán cafe, sản phẩm chỉ chiếm 25% thành công của 1 quán

Không ít quán có sản phẩm tốt nhưng không bán được.

Căn bản quán cafe bao gồm 3 khâu: Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ.

Cái mà đa phần thấy chỉ mới là Sản xuất, làm sao để làm ra 1 ly Cafe thôi. Chưa kể phải dậy sớm pha Cafe chứ khách lỡ đông là làm không kịp trở tay.

  • Làm sao để khách hàng vào quán của bạn mà không phải quán của đối thủ đối diện, khách vào rồi làm sao người ta quay lại lần sau?
  • Làm sao để nhân viên luôn tươi cười thỏa mái với khách, quan tâm khách hàng để có tệp khách hàng trung thành?
  • Làm sao để qua mùa mưa vẫn có nguồn doanh thu ổn để vượt qua giai đoạn mùa khó khăn này?

3. “Mặt bằng tệ là sai hết” chưa hoàn toàn chính xác nhưng luôn đúng

Rất nhiều anh chị có mặt bằng đẹp, lượng khách rất đều và đạt số lượng ly hòa vốn rất nhanh.

Từ đó rảnh đầu để mà làm những thứ chăm sóc khách hàng, giảm chi phí để tối ưu doanh thu, chi phí, lợi nhuận.

Khi mà mặt bằng hoặc không có cách phát triển khách hàng mới thời kỳ ban đầu thì dự án Quán Cafe của bạn đã thất bại tới 70% rồi.

4. Vừa phải cung phụng khách hàng vừa phải chiều nhân viên

Tuyển nhân viên làm việc ở thế hệ Z không phải là điều đơn giản. Họ sống không quá thiếu thốn và động lực làm việc không nhiều bằng thế hệ trước.

Đa phần ở độ tuổi này họ đi làm để có thêm nguồn thu nhập để mua sắm, tiêu dùng cá nhân thêm chứ cũng không quá áp lực tiền làm thêm để chi trả cuộc sống căn bản.

Vì vậy mà việc giữ chân họ càng khó, một chút xích mích nhỏ cũng có thể khiến bạn phải mòn mỏi đi tuyển nhân viên và đạo tạo pha chế mới. Khổ thân.

5. Bao nhiêu thì hòa vốn, bao nhiêu là đạt kỳ vọng

Rất ít người kinh doanh có thể tự tính cho mình những con số này mà đa phần họ đi trong vô định về các chỉ số tài chính căn bản nhất.

Có nhiều khi đến khi trả mặt bằng còn không biết lời lỗ ra sao nữa.

6. Chọn đối tác hỗ trợ tân trang quán

Ban đầu mà không kĩ họ làm qua loa lấy tiền, hư hỏng cần bảo trì thì thứ 2 gọi thì tới thứ 7 cũng chưa thấy mặt đâu

Trường hợp này ở Việt Nam không hiếm nếu không muốn nói là nhiều.

Trong thời kỳ thế giới phẳng hiện tại thì trăm người mua đến ngàn người bán nên cạnh tranh về giá là điều không tránh khỏi và ngày càng khốc liệt.

Từ việc giảm giá mà chất lượng chăm sóc sau bán hàng càng giảm đi. Không sai khi nói “Tiền nào của đó”. Đừng cố gắng rẻ mấy đồng mà cực cái thân sau này vì chọn sai đối tác.

7. Thời gian đầu quán chưa có lượng khách ổn thì chi phí vận hành sẽ luôn cao hơn doanh thu thế là phải bỏ tiền túi ra để bù lỗ

Có sẵn tiền thì không nói chứ mở quán ra vừa đủ thở phào nhẹ nhõm xong thì tiền đâu mà bù lỗ. Thế là phải đi vay mượn xung quanh để tồn tại qua thời điểm khó khăn.

Chốt lại đây không phải là nghề an nhàn, ít áp lực, dễ ăn như các anh chị chưa có kinh nghiệm nghĩ.

Phải tìm hiểu tính toán kỹ nếu không muốn mất một khoảng tiền không đáng phải mất vì thiếu kinh nghiệm.

Mở quán cafe lợi nhuận là hàng đầu?

Có thể tới đây, bạn sẽ từ bỏ ý định mở quán của mình hoặc sẽ tìm được một số kiến thức, kinh nghiệm để đương đầu tốt hơn với những khó khăn của công việc kinh doanh sắp tới.

Điều khiếm khuyết lớn nhất đó là họ chưa hiểu được bản chất và sứ mệnh của một quán Cafe mang lại cho khách hàng mà đa phần họ nghĩ rằng “Lợi nhuận là ưu tiên hàng đầu”.

Mở quán cà phê có phải lợi nhuận luôn đặt lên đầu?
Mở quán cà phê có phải lợi nhuận luôn đặt lên đầu?

Có phải làm quán Cafe lợi nhuận là ưu tiên hàng đầu không?

KHÔNG. Tại sao vậy?

Thứ 1, suy cho cùng kinh doanh là một cách đầu tư tiền bạc và công sức để mang lại giá trị cho xã hội để kiếm lợi nhuận cho bản thân

2. Mở quán cafe không phải là ngành kiếm được lợi nhuận nhanh

Vì bạn cần phải tạo ra tệp khách hàng trung thành, giúp họ cảm nhận được giá trị mà bạn mang lại sau đó mới có thể khai thác được, không giống như linh vực bán lẻ chỉ cần sản phẩm có thương hiệu, giá bán tốt là bán được hàng.

3. Bạn sẽ phải làm cả 3 việc Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ

và sẽ có rất nhiều quy trình, công việc cần phải lo và sắp xếp vì vậy sẽ tốn kha khá thời gian ban đầu để quán có thể vận hành thật tốt và bạn có thể dành thời gian cho công việc khác của mình.

4. Đây là ngành phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố

Mặt bằng, thời tiết, con người, khách hàng, mô hình kinh doanh, đầu vào, trang trí, thiết kế v.v rất rất nhiều thứ mà không phải một sớm một chiều bạn có thể tối ưu được tất cả.

5. Đây là ngành có thời gian thu hồi vốn dài và có nguồn thu ổn định

Nếu bạn đang tìm một kênh đầu tư thu hồi vốn nhanh, dòng tiền đột biến thì chắc chắn đây không phải là sự lựa chọn đúng.

Đừng bỏ lỡ:  Những lưu ý khi mở cửa hàng kinh doanh đồ thể thao

Thời gian hòa vốn của một quán thuê mặt bằng 5 năm đâu đó sẽ rơi vào 36 tháng, và thuê 3 năm thì sẽ khoảng 19 tháng (Đây là con số ước chừng dựa trên kinh nghiệm đánh giá các chỉ số kinh doanh của 1 số quán).

Vì vậy cần sự bền bỉ, đánh giá và kiểm soát thường xuyên.

6. Đây là ngành làm dâu thiên hạ

Bạn sẽ phải tiếp xúc với rất nhiều kiểu khách hàng từ người trẻ đến người già, từ người dễ tính đến người chi li xét nét.

Vì thế phải có sự linh động và ứng biến tốt nếu không muốn dính phải khủng hoảng về dịch vụ khách hàng.

7. Đây là ngành ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của khách hàng

Vì vậy bạn cần có sản phẩm tốt, đảm bảo an toàn.

Nhiều người không ngại chạy theo lợi nhuận mà nhập các nguyên vật liệu kém chất lượng với giá thành thấp để cung ứng. Thật sự đây là điều báo động ở Việt Nam hiện nay.

8. Đây là ngành phải tương tác với con người

Người chủ phải làm việc với nhân viên, tìm cách để nhân viên làm tốt, không gian lận, đảm bảo nguồn thu cho họ để họ có thể chăm lo cuộc sống.

Phải làm cho khách hàng cảm thấy vui vẻ khi trả tiền cho ly Cafe mà họ uống, không gian họ trải nghiệm.

Phải trung hòa lợi ích giữa các cấp quản lý, nhà đầu tư với nhau để tránh trường hợp cãi vã, tan đàn xẻ nghé v.v.

Vì thế hãy chắc chắn rằng bạn sẽ cảm thấy vui và hạnh phúc khi được làm những điều này.

9. Đây là ngành có sự cạnh tranh khốc liệt

Có thể là trăm người bán trăm người mua vì vậy bạn phải sẵn sàng với sự cạnh tranh về giá bán, sản phẩm và điều bắc buộc đó là quán của bạn phải có giá trị khác biệt so với các quán khác và sự khác biệt đó phải mang lại giá trị cho khách hàng.

10. Đây là ngành có tỉ lệ đào thải cao bậc nhất

Đây là ngành dễ vào và dễ ra bởi vì rất nhiều người lầm tưởng dễ làm vì đi ăn hay uống gì đó thấy người ta làm đồ cũng đâu ngon gì nhưng bán vẫn đông, nguồn thu tốt nhưng khi tham gia rồi mới biết nó nhiêu khê và phức tạp đến mức nào.

Cũng không ít người khi kết thúc dự án rồi còn không biết lời lỗ ra sao bởi vì thiếu kiến thức về tài chính, quản lý.

Kế hoạch mở quán cafe

Có lẽ câu hỏi đầu tiên trong đầu của các anh chị khi muốn mở cho mình một quán Cafe đó là cần bao nhiêu tiền.

Ngoài tiền mở quán, còn cần gì nữa?
Ngoài tiền mở quán, còn cần gì nữa?

Tuy nhiên điều đầu tiền các anh chị cần phải xác định là các anh chị có phù hợp với ngành này không trước khi bắt tay vào việc lên kế hoạch mở quán cafe.

Đặc điểm của việc kinh doanh quán cafe sẽ giúp anh chị giải quyết được đâu đó 80% lăn tăn về sự phù hợp của mình để tránh thất bại như nhiều người khác.

1. Bạn cần một mô hình kinh doanh có khả năng sinh lợi

Lợi ở đây xét về ngắn hạn là lượng khách hàng và dài hạn là tiền bạc, giá trị mang lại cho xã hội (Giải quyết lao động, đảm bảo đồ uống sạch, không gian sáng tạo tốt v.v) chứ không chỉ riêng tiền bạc nhé.

Mô hình kinh doanh ở đây không phải là cách thức Decor quán mà là sâu hơn về các thông tin để ra chiến lược cho việc kinh doanh tốt nhất.

Phân khúc khách hàng của bạn là ai?

  • Là người già, người trẻ?
  • Nam hay Nữ?
  • Người thích sách, thích chó mèo?
  • Người thích Cafe hay người thích nước ép?
  • Lao động phổ thông hay dân văn phòng?
  • Sinh viên hay người đã đi làm?
  • Là người chơi game hay cần nơi để làm việc?
  • Là người cần chỗ bàn chuyện làm ăn hay cần nơi cho gia đình?

Hãy liệt kê khách hàng mục tiêu của bạn để bạn có thể chọn menu, giá bán và phong cách phục vụ phù hợp.

Menu của bạn như thế nào?

  • Gồm những món gì, định lượng và giá Cost ra sao, giá bán bao nhiêu?
  • Khách hàng có chịu chi trả cho mức giá này không, nếu không thì cách nào để họ chấp nhận và quen với mức giá này?
  • Menu của bạn có những món nào là mũi nhọn, làm sao để đẩy các món đó đến khách hàng.

Đối thủ cạnh tranh của bạn là ai?

  • Là các quán bán Cafe bẩn, tẩm ướp hóa chất hay là cứ ai mở quán Cafe là đối thủ của bạn?
  • Là các quán trong bán kính 500m và họ đang kinh doanh ra làm sao, giá bán bao nhiêu, phân khúc của họ, họ có chỗ để xe tốt không?
  • Họ có gì khác biệt mà bạn không có?
  • Bạn có gì khác biệt mang lại giá trị cho khách hàng mà họ không có?
  • Một ngày họ bán được bao nhiêu ly, bạn có gì để bán được nhiều hơn họ?

Đối tác của bạn là ai?

  • Là người khách hàng thấy bạn làm quán tốt, họ vui họ giới thiệu bạn bè người thân tới uống Cafe.
  • Là người bán nguyên vật liệu sạch giá tốt cho bạn.
  • Là nhân viên của bạn, họ cần được quan tâm làm sao.
  • Là nhà đầu tư cùng bạn, họ muốn chia tỉ lệ bao nhiêu, góp vốn, góp sức ra sao.
  • Là bà chủ cho thuê mặt bằng, có khi nào đùng 1 cái bà ấy đòi lại mặt bằng không.
  • Là cô lao công dọn vệ sinh hằng ngày cho quán có phương án nào back up khi cô ấy nghỉ không.

Quy trình Order của bạn ra sao?

  • Order và thanh toán tại quầy hay là tại bàn.
  • Order dùng giấy hay điện thoại nhân viên.
  • Bao nhiêu phút từ khi khách gọi món đến lúc họ có ly Cafe trên tay.
  • Tính tiền có in bill không, làm sao để nhân viên không gian lận tiền bạc.
Đừng bỏ lỡ:  Học cách tạo động lực cho Đội ngũ kinh doanh từ Gordon Ramsay

Định nghĩa 1 quán hoạt động hiệu quả của bạn là gì?

  • Là 3 tháng đầu đạt được lượng khách hòa vốn trung bình hay 1 tháng là phải có lời rồi?
  • Là 19 tháng phải hòa vốn hay chỉ cần 10 tháng thôi?
  • Là Page của bạn được 1000 like, 1 post đạt được ít nhất 1.000 tương tác hay không làm Page?
  • Là 50% khách hàng quay lại hay bạn chỉ cần khách qua đường?
  • Bạn sẽ bán Take Away chứ, kỳ vọng là bao nhiêu ly?
  • Tỉ suất lợi nhuận bạn mong muốn của việc đầu tư này ra sao?
  • Bạn muốn bao nhiêu người được uống Cafe sạch của bạn một ngày, một tháng, một năm?

Đó là một số câu hỏi căn bản bạn cần vạch ra trước khi thực hiện dự án của mình.

2. Mặt bằng kinh doanh

Hãy nhớ tới nguyên tắc 3P ở phần trước.

Mặt bằng là yếu tố hàng đầu ảnh hưởng đến tốc độ đạt được lượng khách hàng hòa vốn của quán. Có những quán trong 1 tháng đã đạt được số lượng khách hòa vốn.

Tuy nhiên câu chuyện khó chỗ mặt bằng ở đây là

  • Đường xá ở Việt Nam mình sửa chữa, hỏng liên miên.
  • Thời gian thuê mặt bằng ngắn, ở chỗ nào thuê được 5 năm là điều quá tuyệt vời nhưng đa phần chỉ thuê được từ 2 – 3 năm trở lại mà thôi. Vì thể câu chuyện mặt bằng đẹp phải đi cùng với tính toán cho kỹ các chỉ số hòa vốn. Làm sao đạt được lượng khách hòa vốn càng nhanh càng tốt để bước sang giai đoạn bình ổn và khai thác.
  • Hãy chắc chắn rằng bạn đã khảo sát gia thuê mặt bằng ở 1 số nơi tương tự để không bị áp đảo bởi cơn sốt ảo về mặt bằng.

Theo đánh giá hiện tại thì thuê được mặt bằng đẹp khó nhưng không phải bất khả thi.

Các chỉ số mặt bằng cần được đưa ra và đánh giá.

  • Diện tích khai thác, số chỗ ngồi có thể bố trí tối đa để có thể tính toán sự khả thi về chỉ số hòa vốn.
  • Để được tối đa bao nhiêu xe máy, xe hơi có đậu được không?
  • Có thể đẩy xe Take Away ra ngoài hay không nếu bạn muốn kiếm thêm 1 lượng khách đi đường.
  • Đường xá có khả năng bị sửa chữa hay không?
  • Nhà vệ sinh, chất lượng nước, khả năng cung ứng nước cho pha chế. Gặp chỗ nào mà nước chảy chậm thì tốt nhất nên dẹp ý định thuê.
  • Khả năng cải tạo lại: Chủ nhà có cho sơn lại không, đóng đinh vào tường không. Bạn muốn bài trí lại mà chủ cho thuê không cho thì tốt nhất vẫn không nên thuê.
  • Đặt cọc bao nhiêu, đánh giá xem khả năng bị chủ đột ngột đòi mặt bằng và chịu phạt cọc ra sao để có deal tốt nhất. Thường thì cọc 3 tháng là tốt nhất. Và nên nhớ khi bị đòi lại mặt bằng thì không bao giờ bạn được đền bù về mặt Decor quán đâu nehs. Hãy nghĩ tới phương án di chuyển mặt bằng tốt nhất để tránh rủi ro.
  • Lưu lượng xe, người qua lại, các công trình như Khu công nghiệp, công ty, trường họp phù hợp với mô hình kinh doanh.
    Vân vân và mây mây

3. Dự toán tài chính cụ thể

Từ mô hình kinh doanh, phân khúc khách hàng, mặt bằng bạn sẽ lên 1 list các thứ cần báo chi phí để tìm đối tác thực hiện. Các loại chi phí gồm.

Chi phí đầu tư ban đầu:

  • Cọc mặt bằng + Tiền thuê mặt bằng
  • Decor ban đầu (Bàn ghế, quầy pha chế, ly chén, bảng hiệu, máy lạnh, chậu cây, đèn, quạt v.v)
  • Vật dụng pha chế (Máy pha cafe, máy xay Cafe, máy xay sinh tốt, tủ mát v.v)
  • Phần mềm quản lý, máy tính, máy in
  • Đồng phục nhân viên, tạp dề
  • Loa phát nhạc
  • Thuế mô bài, các loại phí v.v

Chi phí duy trì hoạt động:

Cần đánh giá mức độ doanh thu của tháng đầu để chuẩn bị mức tài chính cụ thể để duy trì trong khi chờ dòng doanh thu đổi về.

Bạn cần lên kế hoạch dòng tiền ra vào cho 1 tháng bao gồm các chỉ số:

  • Tiền thuê mặt bằng.
  • Tiền điện nước, internet
  • Tiền trả lương nhân sự
  • Tiền mua nguyên vật liệu
  • Doanh thu dự kiến.

Từ đó chuẩn bị 1 khoản tiền dư ra để đắp vào phần chi phí những lúc doanh thu chưa về kịp để chi trả.

Những người mới làm quan ban đầu thì có 2 kiểu chọn phương án như sau

  • Tự làm, tìm từng đối tác và cộng tất cả chi phí lại sẽ thành số tiền cần cho một quán. Cách này thỏa mãn cho người chủ là được làm, được kiểm soát mọi thứ nhưng yêu cầu khả năng làm việc khoa học, kỹ năng làm dự án.
  • An toàn hơn là tìm tới các đơn vị nhượng quyền phù hợp với giá trị và số tiền để làm 1 quán Cafe dạng chìa khóa trao tay. Kiểu này sẽ giúp bạn ít tốn thời gian, công sức và rủi ro nhưng tính riêng của bạn sẽ không cao.

4. Tuyển dụng và đào tạo nhân sự

Bạn cần có hợp đồng thời vụ ký với nhân sự, thống nhất thời điểm trả lương, mô tả công việc của một vị trí, các tiêu chí tuyển dụng cho vị trí đó, số lượng vị trí cho một ca làm việc, mức lương, thưởng phù hợp, check list bàn giao ca làm việc.

Một số chỉ số tham khảo giành cho bạn ở khu vực Tp. Hồ Chí Minh.

  • Mức lương pha chế: 22.000 – 25.000đ/giờ | + Thưởng khoảng 300.000đ/tháng tùy theo hiệu quả công việc.
  • Mức lương phục vụ: 16.000 – 20.000đ/giờ | + Thưởng khoảng 200.000đ/tháng tùy theo hiệu quả công việc.
  • Mức lương trưởng ca: 4.000.000đ/tháng | + Thưởng khoảng 500.000đ/tháng tùy theo hiệu quả kinh doanh.
  • Mức lương quản lý: 5.000.000đ/tháng | + Thưởng theo lợi nhuận đạt được tùy vào bạn có tham gia nhiều vào việc kinh doanh hay giao cho quản lý.

5. Marketing – chạy thử quy trình trước khi khai trương

Một lời khuyên chân thành là các anh chị cứ sẵn sàng thì bán chứ đừng theo ngày đẹp gì cả.

Khi mà quán, nhân viên, quy trình chưa sẵn sàng thì tốt nhất hãy chạy thử một thời gian để nhân viên của anh chị quen với cường độ, biết cách phục vụ, giao tiếp với khách hàng rồi hãy tiến hành khai trường.

Không ít quán khai trường gấp rút để rồi trở thành thảm họa vì mọi thứ đều rối tung lên.

Hãy thiết kế các sản phẩm Post, Menu, hình ảnh quán, các tuyên bố về giá trị phục vụ với khách hàng để gây ấn tượng và hút lượng người quen tới ủng hộ quán thời gian đầu.

Hãy làm cho mọi ngời trên Mạng xã hội, đến quán cảm nhận được khác biệt của bạn với đối thủ.

Các hình ảnh đồ uống cần được chụp đẹp, đăng tải và cập nhật trên Page.

Hãy tạo địa điểm Google map, tìm cách để khách hàng check-in để tăng đánh giá tại địa điểm của bạn.

6. Chương trình khuyến mãi và tri ân khách hàng

Đây là một cách dễ và đơn giản để thu hút khách hàng mà nhiều quán đang làm và hiệu quả.

Bởi vì yếu tố này sẽ giúp khách hàng cảm thấy được quan tâm, mức giá phù hợp khi mà các giá trị của quán chưa được cảm nhật một cách chính xác và rõ rệt.

Hãy đảm bảo chi phí cảm xúc của khách hàng là tốt nhất thông quan sự quan tâm, nhanh nhẹn của nhân viên để tri ân khách hàng ủng hộ bản tốt nhất.

Bản chất của 1 quán Cafe là nơi để có không gian thưởng thức một ly Cafe, là nơi bạn cung cấp cho khách hàng những giá trị mà họ mong muốc về sản phẩm, cung cách phục vụ thật tốt.

7. Giấy tờ pháp lý

Bạn cần đăng ký kinh doanh, giấy phép An toàn thực phẩm (kèm việc đi học và đào tạo nhân viên), giấy đảm bảo phòng cháy chữa cháy.

Bạn chỉ cần lên phường, xã liên hệ để được hướng dẫn cụ thể về mặt giấy tờ.

Chúc các bạn lên kế hoạch cho quán Cafe của mình thật chỉnh chu và đúng từ đầu.

Nguồn: Mạc Văn Trung