• 10/02/2017

Bạn có muốn có nhiều khách hàng trung thành, những người luôn tin tưởng vào thương hiệu của bạn không? Không cần bạn trả lời, tôi biết chắc rằng bạn luôn muốn.

Xây dựng niềm tin nơi khách hàng

Vậy có khi nào, bạn tự đặt và trả lời từng câu hỏi như thế này chưa:

  • Sản phẩm/Dịch vụ của bạn có thật sự đem lợi ích tốt nhất cho khách hàng không?
  • Sản phẩm/Dịch vụ của bạn có đáp ứng đúng như nội dung quảng cáo không?
  • Bạn, chính bạn có phải là người trung thực, đáng tin cậy với người mua không?

Có thể nói, trong thời buổi thị trường “vàng thau lẫn lộn” như hiện giờ, chỉ riêng việc tạo nên cảm giác tin tưởng cho khách hàng đã là sợi dây vô hình níu giữ họ, hay nói cách khác, khách hàng luôn tìm đến để mua sản phẩm hoặc dịch vụ mà bạn cung cấp khi có nhu cầu.

Tuy nhiên, điều không thể phủ nhận là áp lực của doanh số, của lợi nhuận, của chi phí là yếu tố làm cho bạn không đủ tự tin để trả lời 3 câu hỏi trên.

Đừng quá bối rối, doanh nghiệp hoặc bất cứ người kinh doanh nào cũng như bạn, và chúng ta có thể tạo sự khác biệt với 3 phương pháp dưới đây.

#1 – Tập trung làm tốt công việc của bạn

Có một bài học sâu sắc tôi lấy được từ các vị tiền bối: “Chỉ cần làm tốt việc của mình, tự nhiên tiền nó sẽ tới”. Mà tiền thì đến từ khách hàng, những người đã/đang/sẽ sử dụng dịch vụ/sản phẩm của bạn.

Rút gọn lại biểu thức: “Chỉ cần làm tốt việc của mình, tự nhiên khách hàng sẽ tới”.

Bạn tiếp tục làm tốt hoặc làm tốt hơn thì khách hàng sẽ lại tới và tới nhiều hơn bởi vì càng ngày họ càng tin tưởng vào bạn.

Đừng bỏ lỡ:  5 Chia sẻ tạo mini game Facebook giúp tăng tương tác và doanh thu

Như thế nào là làm tốt công việc? Đây là một khái niệm rất trù tượng và bao la. Để đơn giản hóa nó, ta thử phủ định câu hỏi: “Như thế nào là không làm tốt công việc”. Có 3 loại người sẽ giúp bạn xác định những việc không tốt này:

  • Khách hàng.
  • Đồng nghiệp (Nhân viên, cộng sự, cấp trên).
  • Chính bạn.

Hãy lắng nghe từ họ, lắng nghe từ nhận xét sáng suốt của chính mình. Bỏ qua mọi cảm xúc và thành tựu để đảm bảo rằng bạn có trong tay danh sách 10 điểm tệ hại mà bạn cần cải thiện.

Đừng làm thêm việc gì mới trước khi bạn giải quyết được ít nhất 1 điểm trong danh sách trên.

Lưu ý, những việc không tốt đôi khi chỉ là những điều rất đơn giản như văn phòng/cửa hàng của bạn sạch bụi hơn, nụ cười của bộ phận bán hàng tươi hơn v.v… tập hợp những điều đơn giản nhất sẽ làm nên thành tựu vĩ đại nhất.

Tất cả mọi doanh nghiệp rất lo lắng về việc có thật sự được người mua tin cậy hay không. Thay vì cứ lo lắng, bạn hãy để dành tâm trí và sức lực làm cho bằng được những gì đã hứa với người mua.

Lo lắng giống như ngồi trên một chiếc ghế lắc, bạn phải vận động liên tục, nhưng lại không đi đến đâu.

Lo lắng như ghế lắc

#2 – Đừng ngụy biện và né tránh sai lầm

Không ai muốn các sai lầm của mình bị người khác biết, nhưng nếu ta lựa chọn cách nói thẳng thắn về sai lầm của mình, điều đó sẽ tạo sự cởi mở nhất trong suy nghĩ người đang tiếp xúc với ta.

Một hành động cố che giấu một bí mật, hoặc tỏ ra thiếu trung thực của bạn đều làm giảm niềm tin ở người “đang hoặc sẽ trả tiền cho bạn”, những người đang trực tiếp nuôi sống bộ máy của bạn.

Đừng bỏ lỡ:  16 Sự thật về máy bán hàng tự động

Khi vô tình mắc phải một sai lầm (mà chắc chắc hoạt động kinh doanh của bạn sẽ không ít lần “vô tình” như thế này), cách khôn ngoan là tìm cách nói với mọi người (nghĩa là khôgn chỉ khách hàng mà còn những người có liên quan, ví dụ như cô bán hàng trẻ đẹp của bạn) những gì bạn có thể làm để khắc phục sai lầm đó.

Ở dây có một khẩu quyết tuyệt vời mà rất nhiều người bỏ qua.

Trước khi làm mọi việc điều đầu tiên là khẳng định rõ ràng bằng lời nói hoặc văn bản: “ĐÂY LÀ LỖI CỦA TÔI/CHÚNG TÔI”. Rất đơn giản, rất ngắn gọn nhưng rất rất rất quan trọng.

Bạn cũng nên khuyến khích thái độ minh bạch trong nội bộ nhân viên doanh nghiệp, để chắc chắn rằng mọi sự cố “khó nói” của mọi người đều được giải quyết.

Làm được như thế, mỗi cá thể trên con tàu của bạn chắc chắn luôn được hướng tới hành vi trung thực.

Khi một nhân viên chịu trách nhiệm về việc gì đó liên quan đến uy tín công ty, chuyện đầu tiên là cần khích lệ họ không che giấu, và phải lập tức tìm ra các giải pháp cùng giải quyết tốt nhất.

Chuyện đó sẽ giúp mọi người hiểu nhau hơn và tránh được việc sa thải nhân viên không cần thiết. Khi nhân viên được tạo điều kiện để thừa nhận sai lầm mà không sợ bị phạt, họ sẽ thoải mái đáp ứng với nhiều nhu cầu đòi hỏi của người mua.

Một lưu ý cuối cùng dành cho bạn, khi lỗi lầm đã xảy ra và bạn có lời hứa khắc phục, nếu bạn không thực hiện được điều đó, thay vì 1 phần uy tín bị mất đi, thì có khi bạn mất thêm 10 phần hoặc 100 phần.

Đừng bỏ lỡ:  Hướng dẫn tạo một trang landing page đúng chuẩn

“Tiếng lành đồn xa”, nhưng “tiếng xấu còn đồn xa hơn”. Đây chính là ranh giới mong manh giữa “thiện và ác”, phủ định mọi sai lầm có đem lại kết quả tốt hơn là nhận sai lầm rồi không khắc phục được hay không?

Dành cho bạn tự trả lời và tự cảnh giác như nội dung tiếp theo đây.

#3 – Luôn luôn cảnh giác

Khi đi làm kinh doanh, bạn sẽ mất nhiều thứ, nhưng nếu bạn mất 2 thứ này thì không bao giờ còn đi kinh doanh được nữa: “Tiền vốn và Uy tín”.

Hai thứ này quan trọng như nhau, nên việc của bạn là phải luôn cân bằng tỉ lệ hiện diện của bọn nó. Đừng tiếc tiền để mất uy tin và cũng đúng là đừng để uy tín lấy hết tiền của bạn.

Uy tín cần có thời gian để gầy dựng, nghĩa là cần cái mà tiền không thể mua được, hay nói cách khác bạn không có phương pháp để qui đổi cái này sang cái kia và ngược lại.

Bởi thế một khi không muốn phung phí tiền, thì bạn đừng phung phí niềm tin. Niềm tin ở đây là việc bạn quá tự tin với chất lượng hiện có, với cái biểu đồ doanh số đang tăng lũy tiến đẹp tuyệt vời.

Bỏ qua hoặc phớt lờ phản ánh của một khách hàng bé trong vô số khách hàng khác sẽ là mầm mống của căn bệnh ung thư vô phương cứu chữa.

Cảnh Giác

Một khi bạn đã có lòng tin của người dùng, bạn tuyệt đối không được ngủ quên trong chiến thắng. Sự thỏa mãn sẽ làm hại chính bạn.

Còn khi mọi thứ đều vận hành tốt, đừng quên tìm kiếm và suy nghĩ thêm các phương án tốt hơn nữa phục vụ người mua. Đưa tới nhiều giá trị và lợi ích cho khách hàng nghĩa là đưa tới nhiều cơ hội và lợi nhuận cho chính bạn.