Có thể bán hàng khi ta không có món hàng đó không? Không ít người trả lời rằng KHÔNG và cũng có rất nhiều người trả lời là CÓ. Thế thì việc này có bình thường không? Có gì đó nghiêm trọng không ? Chúng ta thử cùng đánh giá.
Với những người nói “CÓ”, thậm chí đấy là một cảm giác “tự hào” vì ta có thể bán cho khách hàng 1 món hàng mà ta không có.
(Để tránh hiểu nhầm, chúng tôi gói gọn ý nghĩa của từ “món hàng” nghĩa là 1 sản phẩm mà bạn có thể cầm nắm được, không phải sản phẩm dịch vụ hay các sản phẩm mang tính chất tượng trưng…).
Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, cứ mỗi khi bạn đang bán 1 món hàng với số tồn bằng 0 hoặc nhỏ hơn 0 trong phần mềm quản lý thì bạn nên xem lại cách bạn vận hành cửa hàng của mình.
Rất nhiều khách hàng của chúng tôi yêu cầu giải pháp bán hàng phải cho phép bán hàng khi không có hàng trong kho.
Đơn giản gọi là bán “âm”, vì bán hàng khi số lượng mặt hàng bằng 0, giao dịch sẽ làm cho số tồn của sản phẩm trở thành số âm.
Vậy bán âm có lợi như thế nào? Rất có lợi. Bạn có thể bán hàng ngay mà không cần nhập hàng vào kho.
Hoặc bán cho khách ngay khi hàng mới về mà không cần thông qua giai đoạn nhập kho. Hay thậm chí bán hàng trước khi bạn thực sự có món hàng đó (bán hàng qua ĐT hay internet).
Tóm lại là luôn luôn hoàn tất được giao dịch với khách hàng, còn qui trình quản lý thì tính sau.
Mọi việc sẽ trở nên tiện lợi, nếu người chủ cũng chính là người đứng bán hàng, hoặc người bán hàng là người thân cận trong gia đình (nói chung là nhân sự nào bạn có thể hoàn toàn tin tưởng).
Tuy nhiên, nếu bạn thuê nhân viên đứng bán hàng, bán âm sẽ tạo cơ hội cho gian lận khi nhân viên bán hàng có thể bán hàng trước, rồi nhập hàng sau, bỏ qua số lượng hàng đã bán (và gian lận được số tiền đã bán); hoặc đơn giản là đem hàng ở ngoài vào bán trong cửa hàng của bạn, khi bạn hết hàng để bán.
Ngoài ra, cũng dễ thấy là bán âm sẽ tạo ra nhiều rắc rối trong việc tính giá trị hàng tồn kho.
Vậy nếu không muốn cho bán âm, làm sao tôi giải quyết được những vấn đề hàng ngày trong kinh doanh?
Câu hỏi 1: Khách hàng đang xếp hàng chờ lấy sản phẩm từ 12h trưa đến giờ là 3h chiều.
Hàng vừa về đến cửa hàng, tôi phải bán ngay vì không có thời gian nhập kho. Hoặc sản phầm này cửa hàng không có, tôi phải đi lấy ở cửa hàng bên cạnh về bán. Nhưng tôi không muốn khách chờ.
Trả lời 1:
Nếu khách hàng đã xếp hàng 3 tiếng để chờ mua sản phẩm của bạn, thêm 5 phút để hoàn tất qui trình nhập hàng vào kho chắc chắn sẽ không khiến cho vị khách nào bỏ về.
Còn nếu bạn đã phải đi sang cửa hàng khác lấy hàng, thời gian đó thừa đủ để bạn làm thủ tục nhập kho sản phẩm sẽ lấy, và sau đó bán ra cho khách. Trong trường hợp này, điều khiến cho khách hàng hài lòng hoặc không hài lòng là ở chính kỹ năng bán hàng ưu việt của bạn chứ không phải là vấn đề thời gian chờ đợi THÊM là bao lâu ^_^
Câu hỏi 2: Hàng sắp về đến kho, và khách điện thoại đặt hàng trước. Thời gian giao hàng chắc chắn sau khi hàng về đến kho, nhưng ở thời điểm hiện tại tôi phải nhập được giao dịch vào hệ thống.
Trả lời 2:
Bạn có thể làm thủ tục nhập kho trước khi hàng về để có hàng bán ra. Hoặc bạn cũng có thể làm giao dịch Đặt cọc.
Giao dịch Đặt cọc không yêu cầu bạn phải có hàng trong kho, vì trên thực tế Đặt cọc luôn luôn là thu tiền trước và giao hàng sau. Sau khi hàng về đến kho và đã nhập vào kho, đơn giản chỉ chuyển giao dịch Đặt cọc thành Bán hàng và số lượng sẽ được trừ đi.
Câu hỏi 3: Hàng nhập về lúc đang bận, tôi không có thời gian nhập kho. Bán trước, chiều tối rảnh rỗi nhập sau.
Trả lời 3:
Nếu bạn thực sự hết hàng ở thời điểm hàng về và phải bán ngay thì chỉ có cho phép bán âm mới giúp bạn tiến hành giao dịch bán hàng. Tuy nhiên, vấn đề lớn hơn lại nằm ở phần đặt hàng.
Liệu chuyện gì sẽ xảy ra nếu xe giao hàng bạn mong đợi không về đúng thời điểm bạn cần để bán? Bạn có thể đặt hàng sớm hơn, với số lượng nhiều hơn 1 chút để bảo đảm mình luôn có hàng để bán ngay cả khi xe giao hàng đến muộn không?
Còn các bạn thì sao? Nếu các bạn đang có cửa hàng và có (hoặc muốn có) giải pháp quản lý bán hàng, bạn có muốn bán âm không?