• 20/06/2015

Biết đặt mục tiêu lớn, phải chăng là tố chất của người lãnh đạo có tầm nhìn xa?

Chúng ta thường nghe: “Mục tiêu, tham vọng chính là chìa khoá để tiến lên phía trước“. Tuy nhiên, thực tế cho thấy những mục tiêu hoành tráng với hàng loạt kế hoạch triển khai “trời nghiêng đất lở” thường thì dễ bị phản tác dụng… một cách khủng khiếp!

Đặt mục tiêu tham vọng nhưng liệu có làm được?
Đặt mục tiêu tham vọng nhưng liệu có làm được?

Ví dụ như Lý Quí Trung với tham vọng mạnh mẽ là đưa Phở 24 ra thế giới, nhưng cuối cùng cũng bán đi 100% cổ phần cho công ty Việt Thái Quốc Tế.

Nguyên nhân là do mục tiêu nhanh chóng phát triển các cửa hàng nhượng quyền trong cả nước.

Phở 24 bộc lộ rõ những điểm yếu trong khâu quản trị chất lượng nói riêng và lỗ hỏng quản trị hệ thống nói chung do sự gia tăng số lượng lại không đi kèm với sự ổn định về chất lượng.

Nên nhớ, một kế hoạch sai lầm không những dẫn đến thất bại của kế hoạch đó mà còn làm cho mọi thứ khác trở nên tệ hơn.

Có nghĩa là bạn sẽ phải tốn gấp đôi công sức để xử lý những vấn đề phát sinh sau kế hoạch. Điều này chẳng những làm ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động của tổ chức doanh nghiệp mà còn dẫn đến việc đi chệch hướng hoạt động cả bộ máy.

Đó là những bi kịch có thể xảy ra khi ta tập trung vào KẾT QUẢ thay vì QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN.

Theo Burkeman, nhà báo tâm lý xã hội, tác giả cuốn The Antidote: Happiness for People Who Can’t Stand Positive Thinking, khi đặt mục tiêu để phát triển kinh doanh, nhà lãnh đạo cần lưu ý 4 điều sau đây:

1. Đừng quan tâm đến phần thưởng

Nếu bị ám ảnh về việc đạt cho được mục tiêu, có khi ta sẽ tự loại bỏ những lựa chọn khác có thể tốt hơn.

Bạn là người luôn quyết tâm theo đuổi mục tiêu? Bạn không chạy nước đôi. Bạn chọn một (hoặc một số) mục tiêu, loại bỏ tất cả những thứ còn lại để hoàn thành mục tiêu đã chọn. Vâng, đó là một tư duy tốt, nhưng cẩn thận, nó có thể phản tác dụng.

Ví dụ: bạn đặt mục tiêu trở thành Đoàn Nguyên Đức (Chủ tịch tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai) thứ 2 của Việt Nam trước khi bạn 40 tuổi.

Có thể bạn sẽ đạt được mục tiêu đó đấy (bởi vì bầu Đức cũng giống như chúng ta: 2 tay, 2 chân, 1 bộ óc và 24h để sống trong một ngày), bạn hưởng trọn mọi vinh quang, người người ngưỡng mộ.

Nhưng đổi lại là những đêm không ngủ yên vì tình hình tài chính đang khó khăn, đổi lại là chưa từng một phút nào được quây quần bên gia đình nhỏ bé ấm cúng tràn ngập tiếng cười, đổi lại là bệnh án ngày càng dày đặt vì cơ thể và trí não bạn luôn hoạt động với cường độ trên 100% công suất.

Đó có phải là mục tiêu của bạn?

2. Đừng quá “chắc ăn”

Nếu không có mục tiêu thì chắc rằng bạn không thể nào kinh doanh được, nhưng mục tiêu chỉ là kim chỉ nam định hướng cho bạn thôi, đừng xem nó bắt buộc là ĐIỂM PHẢI ĐẾN.

Điều này sẽ tạo tâm lý luôn luôn lo lắng với tất cả những gì không “ăn chắc”.

Đặt mục tiêu đừng quá cầu toàn chắc ăn
Đặt mục tiêu đừng quá cầu toàn chắc ăn

Mục tiêu giúp người ta có cảm giác an toàn và chắc chắn. Nhưng khi để bị dính chặt và sa lầy vào kế hoạch đã lập ra thì hiếm khi thành công đến với bạn.

Ngày càng có nhiều người thành công vì luôn nắm bắt cơ hội ở cả những lĩnh vực họ chưa từng nghĩ tới. Đây là loại người này dám dấn thân làm những việc mà nhiều người khác nghĩ đó là mạo hiểm.

3. Tập trung vào con đường…

…để ta đi chứ đừng tập trung vào nơi ta sẽ đến

Tập trung vào con đường thay vì đích đến
Tập trung vào con đường thay vì đích đến

Các chủ doanh nghiệp nhỏ nên vạch ra lộ trình thực hiện thay vì đặt ra kết quả cần đạt, ví dụ:

  • Thay vì đặt mục tiêu là viết ra một cuốn truyện hay, hãy đặt mục tiêu là dành bao nhiều giờ trong 1 ngày để ngồi viết
  • Hãy đặt mục tiêu kiếm thêm được bao nhiêu khách hàng mới thay cho mục tiêu đạt doanh số “khủng” trong 1 năm.

Lỡ như nỗ lực làm rồi thất bại thì sao?

Không sao cả, đừng tự trừng phạt bản thân, đó chính là động lực để bạn tiếp tục hành động và hành động cẩn trọng hơn. Hãy xem đó là cú vấp ngã trên con đường mà bạn sẽ tiếp tục đi.

4. Luôn nhớ lý do…

…tại sao bạn làm việc bạn đang làm?

Điều quan trọng nhất là luôn tự hỏi: “Tại sao bạn lại muốn làm việc NÀY?”. Sau đó đặt ra những mục tiêu phù hợp với những gì bạn mong muốn.

Luôn nhớ lý do vì sao bạn làm điều gì đó
Luôn nhớ lý do vì sao bạn làm điều gì đó

Bạn muốn tự khởi nghiệp, thành lập một công ty để rồi biến nó thành một cái gì đó giống như Apple, bạn trở thành Steve Job? Liệu có chính xác đó là mục tiêu của bạn không ?

Hay mục tiêu ban đầu là có được cuộc sống thoải mái hơn, khấm khá hơn (nghĩa là hạnh phúc hơn) cho bản thân những người mà bạn yêu thương.

Mục tiêu cuộc sống của bạn không phải giàu thật là giàu, cuộc sống của bạn chỉ ý nghĩa khi bạn hài hòa được những thứ tồn tại xung quanh nó… đương nhiên là có tiền trong đó.

Kinh doanh cũng vậy, đó là nghệ thuật của sự hài hòa những thứ xung quanh.