Website bán hàng (eCommerce) là website mà bạn dùng để bán hàng, trưng bày sản phẩm hoặc giới thiệu dịch vụ.
Khi xây dựng website, bạn cần xác định rõ mục đích của mình: giới thiệu sản phẩm (Direct marketing) hay là giới thiệu bản thân (Branding Marketing).
Tất nhiên đa phần đều muốn được cả 2 mục đích, nhưng ở giai đoạn bắt đầu thực hiện (giai đoạn tốn nhiều thời gian và công sức nhất trong suốt quá trình triển khai vận hành), bạn đừng mắc phải sai lầm cổ điển “chạy theo 2 con ngựa”, bạn sẽ không đạt được bất kỳ mục tiêu nào.
Trừ phi công ty bạn ngang hàng với Sony, Toshiba v.v… thì bạn nên đặt mục tiêu Branding lên hàng đầu, nếu không thì tôi khuyên bạn nên tập trung và tập trung vào sản phẩm của bạn khi xây dựng website.
Trong quá trình tư vấn quản lý bán hàng và kho hàng cho khách hàng, tôi thường xuyên được họ nhờ tư vấn thêm về cách làm web. Điều làm tôi khá bất ngờ là đa phần sự đầu tư của Khách hàng cho website không tương xứng với tầm quan trọng của nó.
Nếu bạn là một doanh nghiệp trong ngành bán lẻ (retail), thì website của bạn ngày hôm nay có giá trị ngang hàng với showroom ngoài đường mặt tiền để bạn trưng bày giới thiệu sản phẩm rồi. Tại sao lại hời hợt với một công cụ có giá trị tuyệt vời như thế?
Và những lỗi sau đây sẽ khiến khách hàng rời khỏi website của bạn trong vòng 5 giây, hoặc quyết định sẽ không mua gì ở website của bạn.
Nội dung chính
Sản phẩm không có giá!
Đây là lỗi cơ bản mà rất nhiều nhà bán lẻ gặp phải khi bắt đầu triển khai website, đưa sản phẩm chào bán trên Internet.
Với những khách hàng trên internet, điều đầu tiên họ đến với bạn là để tìm kiếm thông tin. Và họ cần nhất 2 thông tin quan trọng:
- Bạn có bán cái mà khách cần mua?
- Giá của nó là bao nhiêu?
Nếu website của bạn không “thỏa mãn” 2 thông tin cơ bản này thì bất chấp việc nó đẹp lung linh với những hiệu ứng bắt mắt, hoặc profile công ty trông rất “khủng”… khách hàng “tiềm năng” cũng sẽ rời bỏ website của bạn đế đến một website khác có bán sản phẩm tương tự (biết đâu đó là website đối thủ của bạn thì tình hình còn bi kịch hơn).
Thông tin số (1) chắc không cần bàn nhiều, website bán hàng mà không có thông tin hàng thì bán cái gì.
Vấn đề số 2 mới là sự nhức đầu không hề nhẹ. Có nhiều lý do khiến bạn không thể để giá sản phẩm trên website, và tôi tổng hợp lại thì có 4 nguyên nhân chủ đạo như sau:
- Bảng giá của bạn chưa hoàn chỉnh, và có quá nhiều sản phẩm trên website đang thiếu giá mà bạn lại không có thời gian để bổ sung cập nhật
- Giá hàng hóa của bạn thay đổi liên tục, bạn không tài nào cập nhật liên tục.
- Bạn sợ đối thủ cạnh tranh sẽ khảo giá của bạn và bán với giá thấp hơn. Và khi khách hàng vào xem thông tin, họ thấy giá của bạn cao hơn đối thủ nên sẽ nghĩ rằng bạn bán đắt hơn đối thủ.
- Bạn là nhà phân phối (hoặc sản xuất), bạn sợ rằng khi tung giá bán của bạn ra sẽ ảnh hướng đến các đại lý bán lẻ đang phân phối sản phẩm của bạn.
Tôi luôn quan niệm, tất cả mọi việc đều có mặt tốt và mặt xấu của nó, việc bạn để giá hoặc không để giá cũng vậy. Nhưng trong 4 tình huống kể trên, việc để giá sản phẩm của bạn vẫn có ý nghĩa tích cực nhiều hơn. Ta hãy cùng phân tích và xử lý.
Bảng giá chưa hoàn chỉnh
Thật ra đây chỉ là vấn đề thời gian và công sức. Sản phẩm của bạn dù đa dạng hay nhiều đến mức độ nào đi nữa thì 95% các trường hợp, bạn chỉ cần 1 tuần lễ để hoàn tất dữ liệu và cập nhật lên website.
Một tuần có thể là rất nhiều thời gian của các bạn, nhưng nếu không dùng 1 tuần đó thì hãy tưởng tượng 1 tháng sau website của bạn vẫn thiếu thông tin, 3 tháng sau cũng vậy và rất có thể 1 năm sau cũng như thế.
Bao nhiêu khách hàng tiềm năng sẽ mất đi chỉ vì bạn không bỏ 1 tuần ra hoàn tất thông tin và đưa lên trên web? Vấn đề này rất dễ xử lý, chỉ cần bạn đặt tay lên bàn phím hoặc ra mệnh lệnh cho nhân viên phụ trách. Là sẽ xong !
Mặt hàng bạn đang kinh doanh có giá biến động liên tục?
Thì bạn cũng phải cập nhật liên tục. Đối với mặt hàng loại này thì việc có giá “sống” chính là giá trị lớn nhất mà website của bạn có.
Chính vì điều đó mà khách hàng sẽ thường xuyên tham khảo thông tin cái website của bạn hơn thay vì họ phải ra đến tận nơi hoặc gọi điện thoại cho bạn liên tục. Khách hàng tham khảo thường xuyên cũng tỉ lệ thuận với khả năng bán được hàng nhiều hơn.
Thế nên cho dù có phải thuê riêng một người chỉ để cập nhật dữ liệu lên website, bạn cũng phải thực hiện.
Điều may mắn là ngày nay chúng ta đã có những công cụ tốt hơn để cập nhật dữ liệu lên website một cách nhanh chóng, ví dụ như ứng dụng giải pháp từ phần mềm S3co.vn (và tôi sẵn sàng tư vấn thêm phương pháp ứng dụng nếu bạn để lại thông tin liên hệ)
Lộ thông tin về giá và bị canh tranh gay gắt?
Xin hỏi, điều gì làm bạn nghĩ rằng việc không để giá trên website sẽ khiến đối thủ không biết giá bán của bạn? Làm sao để bạn phân biệt một cú điện thoại hỏi giá là của khách hàng hay là của đối thủ giả làm khách hàng?
Họ – đối thủ – đâu cần phải gọi kiểm tra liên tục, chỉ cần 1 tháng hoặc 2 tháng một lần gọi hỏi 1,2 món hàng tiêu biểu của bạn thì họ nội suy ra được ngay giá bán của bạn là đang cao hay thấp hơn họ.
Việc không để giá trên website chẳng những không bảo vệ thông tin của bạn trước đối thủ mà lại làm cho bạn cách biệt với khách hàng nhiều hơn. Lợi hại như thế nào chắc bạn hoàn toàn có thể tự cân nhắc. Theo thống kê của cá nhân tôi, thường các doanh nghiệp đã tồn tại ổn định trên thương trường thì giá bán lẻ không bao giờ được liệt kê vào dạng thông tin cần được bảo mật.
Bạn là nhà phân phối và sản xuất, bạn không thể đưa giá của bạn ra vì các đại lý sẽ không bán được hàng.
Vâng, nếu bạn đã xác định mình là nhà phân phối lớn, tất nhiên đừng cạnh tranh với chính đại lý của bạn về giá, mà hãy dùng giá để hỗ trợ cho họ. Nói một cách đơn giản, bạn hãy để giá bán lẻ là cao nhất, hãy làm cho bất kỳ đại lý nào cũng có giá bán thấp hơn của bạn.
Bên cạnh đó, giá bán lẻ cũng sẽ được dùng như một công cụ kiểm soát giá thành trên thị trường, tránh việc sản phẩm của bạn bị đội giá quá cao dẫn đến sức tiêu thụ giảm đi. Nếu có thể ứng dụng linh hoạt giá như thế, tại sao bạn lại thay vào đó bằng mấy chữ chán ngắn: “Liên hệ” hoặc “Call”.
Nếu bạn làm website với mục đích bán hàng hoặc giới thiệu sản phẩm, hãy nhớ rằng, dù thế nào đi nữa, phải có giá cho sản phẩm nếu bạn không muốn bị loại ngay từ vòng giữ xe của cuộc chơi mang tên gọi Thương Mại Điện Tử.
Còn tiếp…