• 16/10/2020

Khi Công Nghệ phát triển dựa trên KHÔNG GÌ CẢ.


Đầu tiên vấn đề về ngữ pháp đòi hỏi dùng não tí. Từ Make trong cụm “Make in India” có ý nghĩa tương đương Manufacture.

Make in Vietnam
Make in Vietnam

Có thể biên dịch cái Slogan của thủ tướng Ấn Độ như sau: Let’s manufacture in India ==> Hiểu nôm na là “Đẩy mạnh sản xuất trong Ấn Độ“.

Sản xuất là nó phải ra cái gì đó cụ thể, cầm nắm và sử dụng được. Đây là nền tảng cốt lõi để tạo nên nền kinh kế, rồi các chỉ số GDP gì gì đó.

Nền sản xuất của xứ ta… càng ngày càng thua xa người ta: Công nghiệp nặng chả có gì, công nghiệp nhẹ chả thấy đâu… cái tự hào về sản xuất nông nghiệp gì đó thì sản lượng không bằng ai, chất lượng không kiểm soát được.

Ngay cả đào mỏ dưới đất lên cũng còn bị lỗ.

Đơn cử một ngành xuất khẩu mạnh như đồ gỗ… bản chất phía sau nó là khai thác nguồn tài nguyên gỗ vô tội vạ (hậu quả ngập lụt gì đó tràn lan mấy năm nay).

Chúng ta lấy gỗ từ rừng tự nhiên, chế tác để tạo giá trị gia tăng rồi bán đi lấy ngoại tệ… nhưng vấn đề là chúng ta không hề SẢN XUẤT CÁI CÂY.

Ngành cá biển thì khai thác cạn kiệt, nhóm sản xuất cá thì càng ngày càng bị cạnh tranh gay gắt, và giờ thậm chí năng lực sản xuất cũng thua xa Tàu ở những mũi nhọn mà thời gian trước chỉ có VN mới có thể làm được.

Chúng ta không sản xuất được cái gì cả.


Cách Mạng Công Nghiệp lần 1, 2 đẩy mạnh năng lực sản xuất.

Cách Mạng Công Nghiệp lần 3 đẩy mạnh tốc độ và chất lượng sản xuất.

Lưu ý, khi không có năng lực sản xuất thì không thể có tốc độ và chất lượng. Năng lượng hạt nhân gần như là vô nghĩa nếu không có phát minh về động cơ hơi nước.

Cách Mạng Công Nghiệp lần 4, cái gọi là 4.0, về bản chất không làm gia tăng năng lực, tốc độ cũng như chất lượng sản xuất… trách nhiệm của nó là TỐI ƯU sản xuất. Đảm bảo cán cân cung cầu.

Ví dụ những sàn giao dịch điện tử như eBay, Alibaba, Amazon, etc… về bản chất nó giúp cho người này bán nhiều hơn thì nó cũng sẽ làm cho người khác bán ít đi.

Năng lực sản xuất toàn nhân loại không tăng lên vì e-Commerce, tốc độ sản xuất cũng không cần tăng (nếu cần thì chắc Nokia không chết tức tưởi), chất lượng sản phẩm… thực tế cũng không cần tăng.

Lấy iPhone của Apple làm ví dụ điển hình, gần như hãng sẽ làm giảm chất lượng các sản phẩm đã bán để có thể bán sản phẩm mới nhân danh công nghệ.

Sự dư thừa về năng lực sản xuất dẫn đến việc các sản phẩm kém chất lượng từ TQ được phân phối khắp nơi trên thế giới.

Vấn đề ở đây từ “kém chất lượng” không có nghĩa là “không đủ chất lượng“.

Nếu Facebook đóng cửa… thế giới này vẫn hòa bình.

Nếu trên quầy bán hàng ở chợ hoặc các cửa hàng tiện lợi không còn bán mì gói nữa… có khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu lần 3 diễn ra ngay lập tức.

Boeing và Airbus tự nhiên ngưng sản xuất máy bay… hậu quả tệ hại còn hơn cả 10 con Covid liên tục diễn ra.

Dừng một chút… trở về cái tựa đề: Make In Vietnam.

Đương nhiên, người ta không phải đơn thuần là quá thiểu hiểu biết để viết cái Slogan tiếng Anh.

Mục tiêu vẫn là “Hãy sản xuất ở VN”… và sản xuất đi tắt đón đầu thì đi hẳn lên 4.0, sản xuất công nghệ.

Và bạn đang vào một cuộc chơi là: Tối ưu sản xuất trên một nền tảng không sản xuất một cái gì cả!!! Bạn hi vọng điều gì?

Những nhà sản xuất hàng đầu thế giới này sẽ sử dụng giải pháp tối ưu sản xuất của bạn, một người không hề có kinh nghiệm về sản xuất?

Công nghệ thông tin ở VN, với góc nhìn hạn hẹp của tôi thì gần 2 thập kỷ qua cũng vẫn là bản chất gia công, góp nhặt và ứng dụng sản phẩm từ người khác (trớ trêu là sản phẩm ấy có khi chính chúng ta gia công)…

Sao kỳ vậy? Bởi vì ta gần như không sản xuất ra cái gì cả.

QQ chat được sử dụng bởi vô số các doanh nghiệp toàn cầu vì nó là một trong những công cụ giao tiếp với nhà máy TQ.

Zalo chat chiếm lĩnh thị truờng VN, và cũng chỉ dừng lại ở đó. Người ta không có lý do gì để sử dụng nó ngoài biên giới VN.

Alibaba trở thành 1 sàn giao dịch B2B toàn cầu hoặc với cấp thị trường Global thì nó to nhất… vì nó kết nối người mua nhỏ nhất đến nhà máy lớn nhất.

Một trong những lý do Amazon thành công vì nó kết nối người mua lớn nhất đến nhà máy nhỏ nhất. ==> Nền tảng cho sự phát triển công nghệ (thông tin), chính là môi trường sản xuất.

Make In Vietnam… nghe có vẻ hay hay nhưng vẫn chỉ là cái vỏ bọc hào nhoáng, cái ngọn cây đẹp đẽ, một cuốn phim để giải trí trong những ngày mưa buồn bã.

Lối đi nào cho công nghệ Việt Nam?

Tôi không hoặc chưa tìm ra câu trả lời cho chính mình, mong được các cao nhân giúp đỡ. Tôi chỉ có cái suy nghĩ quái đản: Lên Amazon hay Alibaba bán “Tăm xỉa răng Made In Vietnam”, thanh toán qua Alipay.

Làm sao để cả thế giới này chỉ xài tăm xỉa răng Vietnam… một ngày nào đó, tăm xỉa răng Made In Vietnam sẽ tạo ra một thị trường sôi nổi như là Bitcoin trên một sàn ứng dụng e-commerce có tên là “Tăm-Trading”.

Tác giả: Nguyễn Huỳnh Duy – Co-founder S3co.vn – 2020