• 01/07/2016

Lựa chọn sản phẩm bán hàng online sẽ luôn là điều khiến bạn phải ngập ngừng.

Bạn nên bán một sản phẩm duy nhất hay nên bán nhiều sản phẩm khác nhau đáp ứng được nhu cầu của thị trường ngách (niche market)

Chưa kể hiện nay có hàng trăm cửa hàng online với danh tiếng tốt nên bạn phải tìm được sản phẩm có thể cạnh tranh. Đây hẳn là bài toán khó, đánh đố khả năng lựa chọn của bạn.

Dưới đây là…

7 bước lựa chọn sản phẩm bán hàng online

#1 – Tìm từ khóa tiềm năng

Nói một cách chính xác là tìm xem người ta hứng thú với cái gì trong khoảng 6 tháng tới 1 năm trở lại đây. Thị trường tôi hướng tới là Phần Lan nơi tôi đang học và sinh sống.

Tìm kiếm từ khóa tiềm năng
Tìm kiếm từ khóa tiềm năng

Ở đây 3 năm tôi phát hiện ra rằng người Phần Lan rất thích các sản phẩm handmade (sản phẩm làm bằng tay) bởi 3 lí do:

  • Họ rất muốn sở hữu những sản phẩm được thiết kế dành riêng cho họ. Họ đặc biệt tin rằng những sản phẩm thủ công sẽ có chất lượng tốt nhờ sự tỉ mỉ của người làm ra chúng dù giá thành sẽ hơi cao.
  • Họ cũng rất thích các sản phẩm có màu sắc, thiết kế độc đáo bởi tính chất lạnh và tối quanh năm của thời tiết nơi đây.
  • Nhiều người quan niệm rằng tặng quà handmade cho bạn bè người thân thể hiện sự trân trọng

Sau khi lưu ý những điểm này, tôi quyết định sẽ bán sản phẩm handmade tại đây. Nhưng nên bán gì đây khi có hàng trăm mặt hàng để tôi lựa chọn. Sản phẩm phải độc đáo, luôn cần tính sáng tạo và tôi có thể dễ dàng làm được.

Điều này khiến tôi quyết định làm một điều tra nho nhỏ cho những người bạn của mình để xem “Sản phẩm nào họ sẵn sàng bỏ tiền ra mua?”

Kết quả ngoài khả năng phán đoán của tôi, không phải quần áo hay giầy dép, họ có nhu cầu về trang sức handmade hơn cả. Có người sẵn sàng bỏ ra 2 triệu hoặc hơn cho một sản phẩm đẹp và độc đáo.

Họ cũng khá thích thú khi tôi giới thiệu các sản phẩm sẽ được làm từ kẽm dễ uốn và có thể đặt hàng theo sở thích.

Bước ban đầu hoàn thành, tôi quyết định sẽ bán trang sức handmade.

#2 – Đặt tên thương hiệu thú vị

Tưởng rằng chọn xong sản phẩm thì tôi và bạn mình sẽ thảnh thơi một chút vì đã có định hướng làm gì bán gì.

Đặt tên thương hiệu gây ấn tượng
Đặt tên thương hiệu gây ấn tượng

Nhưng thực tế lại rất đau đầu khi chúng tôi cần chọn được một thương hiệu dễ đọc, dễ nhớ, mang phong cách riêng và đặc biệt là dễ tìm kiếm bằng các công cụ tìm kiếm như Google.

Có hàng chục “đáp án” được đưa ra tuyển chọn, song hầu như không có phương án nào tối ưu nhất đáp ứng các yêu cầu đã nêu trên.

Những lựa chọn được xem là tối ưu đã bị người khác lấy mất domain (link vào trang web) hoặc domain quá đắt so với túi tiền sinh viên của chúng tôi.

Tưởng chừng bỏ cuộc và định chọn đại một cái tên thì bạn tôi gợi ý rằng hãy chọn tên “cúng cơm” của chúng tôi để đặt cho cửa hàng. Chưa kể, mỗi đứa con gái lại có chiếc hộp Pandora riêng (chiếc hộp của thần Zeus, cất giữ rất nhiều bí mật trong thiên hạ).

Vậy nên hãy đặt là Nananbox (chữ “n” thứ 3 mang nghĩa sở hữu trong tiếng Phần). Với cái tên này, chúng tôi hi vọng sẽ mang tới những sản phẩm lạ mắt được thiết kế bởi riêng chúng tôi. Mỗi khi “mở hộp” khách hàng sẽ phải ngạc nhiên về sản phẩm.

#3 – Xác định và giải quyết băn khoăn của khách hàng

Hai bước đầu tiên đã hoàn toàn trả lời thắc mắc của tôi về sở thích khách hàng.

Tuy nhiên tôi vẫn cần biết điều khiến khách hàng băn khoăn là gì khi mua sản phẩm của mình. Trong phiếu điều tra ở trên của mình, tôi cũng đặt ra những câu hỏi về suy nghĩ của họ khi mua sản phẩm handmade.

Xác định và giải quyết băn khoăn trở ngại của khách hàng
Xác định và giải quyết băn khoăn trở ngại của khách hàng

Những kết quả tôi nhận được nhiều nhất là:

  • Chi phí vận chuyện và thời gian vận chuyển
  • Cách bảo quản sản phẩm sau khi mua

Tại Phần Lan chưa có cửa hàng nào bán trang sức kẽm handmade điều này khiến việc vận chuyển hàng tốn khá nhiều thời gian. Chưa kể họ sẽ lỡ mất dịp trọng đại nào đấy vì chờ đợi.

Nắm bắt được tình hình này, tôi ngay lập tức tìm hiểu những phương thức giao hàng tốt nhất, hợp lí nhất mà không những khách hàng nhận được hàng sớm mà chúng tôi tiết kiệm được chi phí.

Ngoài các hình thức chuyển phát nhanh, bưu điện là lựa chọn số 1 của chúng tôi bởi chỉ tốn từ 1 tới 2 ngày để chuyển hàng trong Phần Lan, giá cả cũng rất hợp lí.

Về băn khoăn số hai, chúng tôi cũng tìm hiểu kĩ càng các đặc tính của kẽm về độ sáng, thời gian dùng, cách bảo quản. Sau đó viết hướng dẫn tỉ mỉ rõ ràng với mỗi sản phẩm để giúp khách hàng bảo quản sản phẩm tốt nhất.

#4 – Lựa chọn theo sở thích của bạn

Tôi luôn quan niệm rằng: “Bạn phải yêu thích thì mới có thể thành công”. Bởi lúc này, bạn sẽ dồn 100% sức lực, thời gian và niềm đam mê để đem tới kết quả tốt nhất.

Trước khi làm gì, tôi luôn tự hỏi bản thân có thích chúng không, có thể làm được không? Điều này không ngoại lệ khi tôi quyết định mở shop bán hàng này.

Từ bé tôi đã thích làm những đồ thủ công tỉ mỉ, đòi hỏi sáng tạo, đẹp và lạ, chính vì vậy thôi cảm thấy rất hứng thú khi biết rằng Phần Lan là thị trường tiềm năng giúp tôi thỏa mãn đam mê.

Vì thích, nên tôi đã bỏ ra kha khá thời gian tìm hiểu cách thức làm, cách thức bảo quản để tạo ra sản phẩm chất lượng nhất.

Bạn phải yêu thích thì mới có thể thành công

s3co.vn

Tất nhiên là không thể tránh khỏi những sai sót khi làm thử bước đầu nhưng sự lựa chọn này với tôi là một trải nghiệm thú vị.

#5 – Tìm thị trường ngách

Tất nhiên là phái nữ sẽ là đối tượng hướng tới của tôi khi bán sản phẩm này. Tuy nhiên nếu như vậy thì sẽ khó để tập trung làm sản phẩm đáp ứng nhu cầu tốt nhất.

Xác định thị trường ngách
Xác định thị trường ngách

Tôi quyết định làm một bản điều tra khác để đánh giá sự hứng thú của từng độ tuổi cho sản phẩm (độ tuổi trong bản điều tra này là 25 tới 60).

Sau 2 tuần, tôi đã có cho mình kết quả, với khoảng 70% khách hàng trong độ tuổi 25 tới 45, họ có chung sở thích với đồ handmade và thích sáng tạo.

Sau đó, tôi bắt đầu chạy quảng cáo Facebook cho đối tượng này với những từ khóa:

  • Độ tuổi: 25 – 45
  • Vùng: Oulu và Helsinki (2 thành phố lớn ở Phần Lan)
  • Sở thích: đồ handmade, sáng tạo

Kết quả là tôi đã có thêm lượng tương tác với khách hàng trên Facebook. Họ bắt đầu tìm hiểu về sản phẩm và đặt hàng.

#6 – Đánh giá kinh nghiệm của bạn

Khi bắt đầu chuẩn bị kinh doanh, bạn cũng cần đánh giá kinh nghiệm của bản thân: khả năng quản lí, khả năng tiếp thị, khả năng bán hàng, v.v…

Từ đam mê, bạn có thể xác định được mặt hàng kinh doanh, nhưng chưa thế vẫn chưa đủ, bạn còn cần phải tích cực tích lũy thêm thật nhiều kiến thức và kinh nghiệm về sản phẩm mà bạn dự định buôn bán trên mạng.

Có thể nói muốn có kiến thức thì bạn phải học, quan sát, trao đổi và lắng nghe, nhưng để có kinh nghiệm thì đòi hỏi phải làm mới có được.

Tôi không khuyến khích các bạn hãy khởi nghiệp tức thì để có những kinh nghiệm, mà hãy đi làm ở lĩnh vực đó.

Chẳng hạn, nếu muốn khởi nghiệp trong ngành ăn uống, bạn có thể xin đi làm công và tham gia vào nhiều vị trí khác nhau để có thể trải nghiệm một cách toàn diện về ngành nghề mình theo đuổi.

Chỉ có trải nghiệm thực tế mới có thể giúp bạn một lần nữa khẳng định mình có phù hợp hay không trước khi ra khởi nghiệp. Và điều đó mới giúp bạn tồn tại được lâu.

#7 – Tổng hợp các xu hướng gần đây

Điều này tưởng chừng đơn giản nhưng lại rất cần thiết.

Nó sẽ giúp bạn có ý tưởng kinh doanh hợp lý, giảm mức những rủi ro có thể xảy ra ở mức thấp nhất do các sản phẩm không hợp thị hiếu hay xu hướng sử dụng của người tiêu dùng.

Người biết tổng hợp các xu hướng gần đây và bắt kịp xu hướng của hiện tại, tương lai luôn là người dễ dàng thành công trong việc bán hàng online và hiểu rõ tập khách hàng của mình.