• 03/11/2015

Làm thế nào mở đầu bài thuyết trình? Có bao giờ bạn đứng giữa buổi thuyết trình hoặc trình bày trước đám đông nhưng lại không biết bắt đầu như thế nào để lấy được sự chú ý của mọi người.

Cảm giác của bạn ra sao?

Bạn có chủ đề cần nói, tính năng mới của sản phẩm cần trình bày hoặc ý tưởng hay muốn chia sẻ nhưng lại mù tịt hoặc cực kỳ bối rối khi không biết làm sao để “đi vào lòng người”?

8 Cách khởi động buổi thuyết trình
8 Cách khởi động buổi thuyết trình

Có 1 thời, trải nghiệm đau đớn nhất của tôi là chỉ biết lặp lại từng câu từng chữ hiện ra trên bài thuyết trình hoặc lọng cọng khi cố gắng diễn đạt ý tưởng rất hay nào đó mà trong thoáng chốc nó đi đâu mất tiêu.

Khỏi phải nói, tôi bắt đầu nghi ngờ về khả năng của bản thân và bắt đầu cố gắng để không tự đặt mình vào tình thế này nữa.

Tôi dành thời gian biên soạn bài viết này, vì nhận ra việc biết cách khởi đầu chủ đề quyết định rất lớn tới kết quả truyền đạt được những gì hay ho trong đầu tôi.

Ấn tượng đầu tiên luôn là một phần tất yếu của bất kỳ buổi thuyết trình tuyệt vời nào. Nếu bạn cảm thấy hứng thú với chủ đề này, thì có 2 điều bạn cần lưu ý trước khi đọc tiếp:

  1. Các kỹ thuật dưới đây có thể áp dụng khi bắt đầu bài thuyết trình, cũng như khi bắt đầu 1 ý nhỏ trong bài thuyết trình đó. Tùy vào tình huống mà bạn có thể linh hoạt ứng dụng. Đừng quá cứng nhắc, không có kỹ thuật thì bài nói của bạn chán ngắt, nhưng lạm dụng quá nhiều thì lê thê phản tác dụng.
  2. Có nhiều “chiêu” tôi sẽ trình bày dưới đây, và bạn chỉ cần sử dụng điêu luyện 1 hoặc 1 vài chiêu là đủ “tung hoành thiên hạ” rồi. Nếu bạn muốn hoàn hảo ngay từ ban đầu thì không bao giờ đi đến đỉnh cao được cả.

Vậy giờ ta hãy khởi động…

8 Cách mở đầu bài thuyết trình

#1. Đặt nhiều câu hỏi liên quan đến chủ đề muốn nói

Đây là cách thông dụng để thu hút người nghe, các câu hỏi sẽ kích thích trí óc của người nghe, khiến họ suy nghĩ về câu trả lời. 

Khởi động buổi thuyết trình bằng cách đặt câu hỏi
Khởi động buổi thuyết trình bằng cách đặt câu hỏi

Cách tôi có thể áp dụng để nói về gói dịch vụ 4E gần đây của S3:

Đừng bỏ lỡ:  Kỹ năng thuyết trình hoàn thiện hay chưa phải lưu ý 12 điều này

Bạn đã bán hàng online chưa? Theo bạn nó dễ hay khó? Bạn có biết làm thế nào để bán thêm hàng và luôn luôn bán được hàng trên Internet không? Có thể bạn đã biết chào hàng trên Facebook, có thể bạn đã sở hữu một website để bán hàng nhưng tôi khẳng định rằng như thế là chưa đủ. Bạn biết tại sao không?

Những câu hỏi như vậy tạo ra sự tương tác cần thiết giữa tôi và khách hàng của tôi. Khi đã đạt được mục tiêu đó, tôi sẽ bật mí từ từ về giải pháp bán hàng online của mình.

#2. Đưa ra con số thống kê thú vị

Hãy dành thời gian để tìm tòi, nghiên cứu các thống kê có ý nghĩa hoặc tự mình nghiên cứu và phân tích số liệu, phục vụ cho việc thể hiện tính quan trọng hoặc cần thiết về những gì bạn sẽ nói.

Khởi động thuyết trình bằng con số thống kê
Khởi động thuyết trình bằng con số thống kê

Ví dụ:

85% cho rằng bán hàng online rất phức tạp”

70% những người bán hàng online ngưng làm sau 3 tháng đầu tiên vì không bán được hàng”, hoặc

Cứ mỗi giây, trên Facebook có 1 fanpage giới thiệu sản phẩm được tạo ra, nhưng có tới 2 fanpage như vậy ngưng hoạt động”

Đó là những ý bạn có thể dẫn dắt để bắt đầu vấn đề muốn nói.

Tất nhiên, mỗi con số bạn cung cấp cần được giải thích rõ nguồn gốc của nó (lấy từ đâu, thời gian nào, hoặc tác giả cung cấp là ai), không thì có khi bạn tự “ném đá” vào mình.

#3. Kể 1 câu chuyện bạn chứng kiến hoặc trải qua

Cách bạn diễn tả câu chuyện của mình sẽ giúp toát lên độ hay của nó, bạn nên tập làm quen với cách dẫn chuyện hoặc tự tạo phong cách dẫn chuyện cho mình.

Khởi động thuyết trình bằng câu chuyện
Khởi động thuyết trình bằng câu chuyện

Nếu bạn chưa có phong cách dẫn chuyện hay thì cũng không sao, cứ thể hiện hiện câu chuyện của bạn, miễn sao người nghe biết được bạn muốn nói gì, cố gắng đừng lan man.

Kỹ thuật thuyết trình này giúp bạn lấy được niềm tin của người nghe, và dĩ nhiên họ sẽ chú ý bạn hơn (ai cũng “nhiều chuyện” mà).

Do đó sự chân thật của câu chuyện là hết sức quan trọng.

Đừng bỏ lỡ:  3 Dấu hiệu cho thấy Khách hàng muốn chi tiền

Bạn có thể “phóng tác” một số tình tiết nhưng đừng “phóng đại”. Chỉ cần thính giả “bắt giò” bạn 1 lần thôi thì những gì bạn nói sau đó sẽ không còn giá trị.

Tuyệt chiêu ở đây là khéo léo chuyển người nghe từ vai phụ sang vai chính của câu chuyện.

Khi người nghe “thấy” mình trong câu chuyện bạn kể là lúc hạt giống tư duy bạn gieo vào tâm trí họ bắt đầu đâm chồi. Một ví dụ đơn giản dưới đây để bạn tham khảo:

“Như anh chị biết, các nhà phân phối thường tổ chức một đội nhân viên kinh doanh có nhiệm vụ đi tiếp cận thị trường và lấy đơn hàng.

Việc này là bình thường, tuy nhiên công đoạn mà các nhân viên này di chuyển từ nơi này sang nơi khác, rồi còn phải quay về trụ sở tổng hợp và giao lại đơn hàng rất mất thời gian, dẫn đến việc bán hàng không hiệu quả.

Nhiều bạn nhân viên kinh doanh tâm sự với S3 giá như không phải di chuyển xa như vậy thì sẽ có nhiều thời gian hơn để tìm kiếm khách hàng mới, mở rộng thêm thị trường.

Đây chính là một trong những lý do công ty S3 tạo ra…”

#4. Sử dụng những từ gợi mở tư duy

“Hãy tưởng tượng…”, “Thử hình dung…”, “Tưởng tượng xem…”, “Thử nghĩ mà xem…”

Khởi động thuyết trình bằng tư ngữ gợi mở tư duy
Khởi động thuyết trình bằng tư ngữ gợi mở tư duy

Người nghe mở rộng tâm trí để sẵn sàng đón nhận một khái niệm hoặc kiến thức mới mà họ sắp được nghe.

Kỹ thuật này có thể áp dụng cho bất kỳ chủ đề nào mà bạn muốn hướng khán giả tới 1 kết quả tích cực hoặc tương lai tươi sáng nào đó.

“Bây giờ anh chị thử hình dung là chỉ với ứng dụng đơn giản được cài đặt trên điện thoại này *cầm điện thoại giơ lên* thì nhân viên kinh doanh của anh chị đã có thể nhanh chóng chọn sản phẩm và đơn hàng cho khách hàng của mình rồi, chưa tới 1 phút đã có thể làm xong 1 đơn hàng, không cần ghi ra giấy và điều tuyệt vời là đơn hàng ngay lập tức được gửi về trụ sở…”

#5. Trích dẫn câu nói hoặc châm ngôn nổi tiếng

Đây là cách mà rất nhiều bộ phim điện ảnh khởi đầu, nhất là phim hài, cách này thực sự rất gây chú ý.

“Người ta hay nói ‘Think big. Do small.’ (Nghĩ lớn. Làm nhỏ), giờ tôi muốn thêm vào ‘Start quick’ (Bắt đầu nhanh) để nói lên rằng…”

“Steve Jobs nói rằng ‘Stay hungry. Stay foolish’ (Hãy cứ khao khát, hãy cứ dạy khờ), nhưng tôi muốn thêm ‘Stay alive’ (Còn sống cái đã) để các bạn hiểu là…”

Đừng bỏ lỡ:  Làm thế nào để bắt đầu kinh doanh online?

#6. Bắt đầu bằng “Chuyện gì xảy ra nếu như…?”

Đây là câu thần chú có tác dụng kích thích suy nghĩ của người nghe về chủ đề bạn muốn nói. Điều thú vị là họ sẽ chủ động mường tượng ra những gì bạn chưa kịp nói hoặc cố tình không muốn nói (có chủ đích).

Chuyện gì xảy ra nếu bỗng dưng sổ nợ mà anh chị cất giữ bấy lâu nay bị thấm nước không đọc được.

Chuyện gì xảy ra nếu mọi dữ liệu mà anh chị lưu trên máy tính cá nhân của mình bị mất hết”, hoặc cao siêu hơn…

Chuyện gì xảy ra khi… trái đất ngừng quay

#7. Kể 1 chuyện vui

Trong buổi giới thiệu chương trình Keynote của mình, Steve Jobs bắt đầu bằng cách kể 1 câu chuyện với kết thúc rất hài hước, làm cho khán giả phía dưới phải bật cười. Dưới đây là trích dẫn từ phần giới thiệu đó.

“Keynote là một chương trình ứng dụng khi bạn xem bài thuyết trình là thật sự quan trọng [trên hình chiếu có dòng chữ: “Khi bạn xem bài trình diễn là thật sự quan trọng.”]

Và Keynote được xây dựng cho tôi [trên hình chiếu có dòng chữ: “Xây dựng cho tôi.”] Tôi cần một ứng dụng để trình chiếu cho các bạn những nội dung mà tôi muốn có rất nhiều hình minh họa.

Công ty đã làm nó cho tôi; bây giờ tôi muốn chia sẻ nó với các bạn. Chúng tôi thuê một nhân viên lương thấp để thử lại lần nữa phiên bản bêta của ứng dụng này, suốt một năm, và đây là anh ta [cử tọa cười rộ khi thấy trên màn ảnh là hình của Jobs].”

Hãy sáng tác câu chuyện tiếu lâm của chính bạn, hoặc biến đổi câu chuyện nào “trông có vẻ nghiêm túc” thành 1 câu chuyện hài hước khiến khán giả phải cười cùng bạn.

#8. Chiếu 1 video ngắn

Video là “ngôn ngữ” trực quan nhất lôi cuốn sự chú ý của khán giả phía dưới, vì trong video luôn bao gồm các hiệu ứng về hình ảnh, âm thanh hoặc chi tiết nào đó luôn hút chú ý của khán giả.

Tuy nhiên, đây là kỹ thuật ít được áp dụng vì đầu tư thực hiện video tốn khá nhiều thời gian (chưa kể đến chi phí). Và trong phần lớn các trường hợp thì rất khó tìm trên mạng video clip phù hợp với chủ đề của bạn.

Các chủ đề về thành công nghề nghiệp, vươn tới ước mơ gần như lúc nào cũng bắt đầu bằng việc trình diễn video, rất có tác dụng gây phấn khích và hào hứng.

Đây là video bạn có thể tham khảo.

Tổng kết

Việc thực hành thường xuyên 8 kỹ thuật trên đây còn giúp bạn trở thành 1 “người kể chuyện” giỏi, có khả năng dẫn dắt bất kỳ chủ đề nào mình quan tâm và muốn chia sẻ.

Bạn sẽ thấy việc kết hợp chúng sẽ tạo nên những hiệu ứng cộng hưởng giúp đạt được kết quả truyền đạt mà mình mong đợi. Nếu bạn là người thiếu tự tin hay lúng túng trong cách khởi đầu câu chuyện như tôi trước đây, tôi tin đây là phương pháp nhanh và hữu ích giúp bạn trở nên hấp dẫn hơn trong mắt người nghe.

8 kỹ thuật giúp bạn khởi động buổi thuyết trình
Hãy dùng các kỹ thuật này để khởi động buổi thuyết trình của bạn