• 10/01/2020

Điều ít được quan tâm khi hợp tác làm ăn

Bạn đã bao giờ nghĩ, trong việc hợp tác làm ăn, cùng chung tay gây vốn đầu tư vào 1 doanh nghiệp / cửa hàng, cái khó nhất không phải là sẽ định hướng phát triển cơ hội ra sao, mà là trong những tình huống gây tranh cãi, mọi người sẽ đàm phán với nhau như thế nào?

Hợp tác làm ăn không chỉ mỗi việc góp vốn
Hợp tác làm ăn không chỉ mỗi việc góp vốn

Nếu ai cũng khư khư giữ quan điểm và quyền lợi của mình, để không chấp nhận sự thỏa hiệp về 1 hướng, “chết cái chắc” là chuyện sẽ xảy ra.

Thị trường tự do cạnh tranh hiện nay cho phép các doanh nghiệp có nhiều mô hình để tùy biến phát triển làm ăn.

Các hình thức cổ phần, hợp doanh, hay góp vốn dạng công ty TNHH đều tùy thuộc vào lựa chọn của những thành viên đầu tư và bản thân doanh nghiệp sẽ tự minh bạch hóa những vấn đề nội tại ấy mà kinh doanh.

Tuy nhiên, điều đáng được quan tâm với mọi người cùng có ý tưởng làm ăn, là phải biết tự “PR nội bộ” như thế nào để xóa bỏ được các mâu thuẫn bên trong, xử lý tốt các biểu hiện bất hòa để chung tay hành động hiệu quả.

Thông thường, khi khởi nghiệp, đa số thành viên góp vốn sẽ chú ý đến vấn đề vốn đầu tư bao nhiêu, vào lĩnh vực sản phẩm nào, thời gian bao lâu, mỗi người đóng góp ra sao.

Vấn đề được chú ý là làm sao phát triển được sản phẩm hay dịch vụ đi kèm, để có được doanh số tốt nhất, sinh lời trên đồng vốn đầu tư.

Những quan tâm, chú ý trong hoạt động doanh nghiệp ở giai đoạn đầu làm ăn, thậm chí có khi cả năm trời, đều xoay quanh nội dung chính yếu này.

Không mấy ai quan tâm thực sự rằng, trong quá trình làm ăn, sẽ nảy sinh mâu thuẫn từ những khó khăn có vẻ khách quan bên ngoài, như thị trường không mấy thuận lợi, có những đối kháng cạnh tranh bên ngoài làm lũng đoạn khả năng bán hàng, kiếm lời ở bên trong…

Để giải quyết được những mâu thuẫn ấy, căn bản doanh nghiệp phải có sự đồng thuận lớn từ nội bộ, cùng nhau ngồi lại để đàm phán, trao đổi, mổ xẻ các vấn đề xảy ra, đoán trước các nguy cơ, phòng ngừa những sự cố xấu nhất.

Việc ngồi lại để nhìn nhận những vấn đề ấy, khác hẳn với tâm thế lúc doanh nghiệp đặt câu hỏi định hình làm ăn, bởi lúc này, mỗi cá nhân góp vốn sẽ có những bức xúc, lo lắng nhất định về đồng vốn bỏ ra của mình, về hoạch định mà mình đã đưa ra nhưng có thể bị gạt đi, về những biểu hiện “vi phạm” của các thành viên góp vốn khác…

Do đó, người ta chủ yếu sẽ chỉ nhìn thấy cái sai của “đối phương”, không hề muốn công nhận phần lỗi của mình, thậm chí bỏ qua những nội dung rà soát cơ bản chỉ để tập trung “mũi dùi” công kích đối phương.

Trong những trường hợp ấy, nếu không có những biện pháp cần và đủ để điều chỉnh chính xác hành vi nên có ở mỗi thành viên, chắc chắn mâu thuẫn sẽ nảy sinh và tất cả những điều có thể đàm phán được với nhau hóa ra lại là những “mồi lửa” thiêu sạch các ý tưởng hợp tác.

Có thể vì nóng nảy, có thể vì vội vàng, không ít các thành viên góp vốn sẽ to tiếng để phủ nhận vấn đề do người khác đưa ra, có vẻ hướng về mình.

Một số người chọn cách ứng xử khác, là im lặng để tỏ ra mình khoan nhượng nhưng sau đó, đơn phương từ chối mọi tiếp xúc để giải quyết vấn đề tích cực.

Đa số những tranh biện đơn chiều ấy, sẽ dẫn đến 1 kết cục bi thảm cho công chuyện hợp tác làm ăn của các doanh nghiệp.

Hậu quả tệ nhất là doanh nghiệp bế tắc, các tiềm lực hợp tác bị xóa bỏ, các thành viên đường ai nấy đi.

Giải pháp cho vấn đề này khi hợp tác làm ăn

Một doanh nhân lớn tuổi, từng kinh qua nhiều vị trí quan trọng ở 1 số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại TP.HCM nhận xét, bài học lớn ông rút được qua các sự cố “hùn hạp bất thành”, chính là thái độ ôn hòa giữa mỗi thành viên ra sao.

Có 1 chi tiết trong truyện Bố già mà tôi rất thích, là ông trùm ngay từ khi khởi nghiệp để “làm ăn” luôn nói với ai đó muốn trao đổi hợp tác, là “chúng ta hãy ngồi xuống nói chuyện phải quấy”.

Thái độ có được sau việc ngồi xuống ấy, sẽ định liệu tất cả, và hầu như mọi đàm phán đều thành công vì ai cũng sẽ ôn hòa hơn”.

Cái khái niệm “phải quấy” không chỉ đích danh ra ai đúng ai sai trong các trường hợp cần giải quyết mâu thuẫn.

Nếu cứ tiếp tục “đôn” phần mâu thuẫn đúng sai trong hành vi mỗi cá nhân, người ta sẽ càng khiến cho vấn đề xung khắc. Thay vào đó, sự bình tĩnh tuân theo 1 quy định ước định có sẵn, mang tính PR nội bộ, sẽ giải quyết vấn đề tốt hơn. Cái chính, là quy định ấy được lập ra từ khi nào.

Giải pháp hợp tác làm ăn thành công
Giải pháp hợp tác làm ăn thành công

Không ít doanh nhân thú nhận rằng, họ thường bỏ qua vấn đề này từ khi mở mang doanh nghiệp, mãi cho đến khi có mâu thuẫn nội tại phát sinh, mọi người mới giật mình nhận ra có lỗ hổng rất lớn.

May mắn chỉ đến với các doanh nghiệp có số thành viên góp vốn nhận ra điều ấy đông hơn, để cùng ngồi lại bàn thảo các quy tắc ứng xử khi có mâu thuẫn nội bộ.

Sự ổn định doanh nghiệp sẽ tái lập trở lại khi mỗi thành viên đồng ý với các quy tắc bàn được, có điều, thường thì tổn thất tình cảm và tài chính cũng phải diễn ra, bởi sẽ có thành viên phải “dứt áo ra đi”.

Để ngăn chặn vấn nạn ấy, lời khuyên từ các chuyên gia PR nội bộ, là doanh nghiệp nên đặt vấn đề bàn thảo các quy tắc ứng xử giải quyết mâu thuẫn ngay từ đầu.

Phải chỉ ra được giải pháp nào sẽ nên áp dụng để các thành viên “ngồi xuống nói chuyện phải quấy”, thay vì lao vào tranh luận đúng sai.

Phương pháp phổ biến nhất trong các quy tắc, là bỏ phiếu tín nhiệm giải pháp.

Các thành viên uy tín và chiếm ưu thế sẽ cùng bỏ phiếu để chọn giải pháp đưa ra ở mỗi thành viên, và lá phiếu nào cao hơn sẽ có ưu thế chọn.

Trường hợp nảy sinh sự bầu chọn 50/50, thì người có quyền lớn nhất sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng, không ai có thể phủ định điều ấy mà nên tôn trọng ý kiến ấy.

Phương pháp khác, là sự đánh giá từ cơ sở. Việc này được thực hiện “dân chủ” với 1 hội nghị đưa ra các giải pháp được đề xuất từ mỗi thành viên.

Các giải pháp sẽ có thể công khai cho mọi thành viên được biết, bàn luận với nhau, từ chính người lao động hay cá nhân thấp nhất, bình chọn những giải pháp tốt nhất có được.

Một hội đồng sẽ được lập ra để kiểm tra các phiếu ấy, lấy ý kiến đông người ủng hộ nhất để làm cơ sở hành động, giải quyết mâu thuẫn.

Những người có quyền lớn nhất sẽ ngồi lại để định vị giải pháp ưu việt nhất và thi hành.

Tất nhiên vẫn còn có những giải pháp khác, nhưng cơ bản có thể thấy, việc PR nội bộ để giải quyết các mâu thuẫn nội tại từ thực trạng khó khăn nào đó chịu tác động từ bên ngoài vào, là nên đặt ra từ khi kiến tạo cơ nghiệp chung.

Một bộ quy tắc ứng xử nên được đặt ra đầu tiên cho doanh nghiệp với sự thống nhất của các thành viên góp vốn, sẽ giải quyết được nhiều vấn đề dễ gây tổn hại về sau.

Không nên bỏ qua và thờ ơ với vấn đề này, nếu không, doanh nghiệp sẽ dễ dẫn đến nguy cơ “chết cái chắc” vì tính cá thể của mỗi thành viên.