• 23/02/2020

Không khó để bạn bắt gặp những địa điểm kinh doanh F&B (Food and Beverage: Đồ ăn thức uống) sử dụng vỉa hè làm khu vực đậu xe chính.

Một số thì chấp hành tốt quy định giúp cho người đi bộ qua lại được dễ dàng, nhưng cũng không ít cơ sở kinh doanh lấn chiếm hết vỉa hè khiến người đi bộ không còn lối đi riêng và dễ gặp nguy hiểm khi lưu thông.

Câu hỏi được đặt ra là việc để xe máy trên vỉa hè có hợp pháp?

Quy định về sử dụng vỉa hè cho hoạt động kinh doanh

Theo các quy định nhà nước, vỉa hè là tài sản công, tài sản chung do nhà nước quản lý, việc lấn chiếm nhằm bất cứ mục đích gì không có sự cấp phép của cơ quan quản lý chức năng đều có thể coi là bất hợp pháp.

Do thực tế chung của các đô thị lớn là quỹ đất hạn hẹp không đảm bảo chỗ để xe máy nên UBND TP.HCM và các đô thị lớn đã ra quy định cho phép sử dụng một phần vỉa hè làm chỗ đậu xe máy, nhưng nếu muốn sử dụng thì phải được cấp một loại giấy phép mang tên “Giấy phép sử dụng tạm thời vỉa hè”.

Tình trạng lấn chiếm vỉa hè ngày càng nhiều
Tình trạng lấn chiếm vỉa hè ngày càng nhiều

Một vài quy định cơ bản bạn nên biết:

  • Đối với vỉa hè có bề rộng trên 3m, phạm vi cho phép sử dụng tạm thời ngoài mục đích giao thông có bề rộng lớn nhất là 1,5m tính từ mép tiếp giáp nhà bên trong vỉa hè (hoặc từ mốc chỉ giới đường) trở ra hoặc từ mép bó vỉa trở vào. Việc xác định tiêu chí cho phép sử dụng tạm thời vỉa hè phải đảm bảo trật tự, ngăn nắp trên suốt chiều dài từng đoạn tuyến hoặc suốt tuyến đường.
  • Đối với vỉa hè có bề rộng nhỏ hơn 3m sẽ không được cấp phép để xe, chỉ được cấp phép: Tổ chức tiệc cưới, tang lễ; Hoạt động phục vụ thi công xây dựng, sửa chữa công trình; Hoạt động xã hội.
  • Khu vực vỉa hè được cấp phép sử dụng tạm thời phải đảm bảo không chắn ngang lối ra vào đường hẻm, không nằm trước mặt tiền của các công trình văn hóa, giáo dục, thể thao, y tế, tôn giáo, cơ quan ngoại giao, công sở
  • Việc sử dụng vỉa hè phải đảm bảo giữ gìn vệ sinh môi trường, không làm hư hỏng kết cấu vỉa hè, tạo lối đi thông thoáng cho người đi bộ và không ảnh hưởng đến tầm nhìn lưu thông của người sử dụng các phương tiện giao thông.

Bạn có thể đọc toàn văn Quyết định 74/2008/QĐ-UBND về quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè trên địa bàn TP.HCM tại đây.

Mức phạt khi vi phạm quy định về sử dụng vỉa hè

Hành vi sử dụng vỉa hè và lòng đường làm nơi kinh doanh và để xe đạp, xe máy là hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ được quy định trong Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 02/4/2010 và Nghị định số 71/2012/NĐ-CP ngày 19/9/2012, sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 02/4/2010 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Quy định cụ thể như sau:

Vi phạm quy định sử dụng vỉa hè xử lý thế nào?
Vi phạm quy định sử dụng vỉa hè xử lý thế nào?
  1. Về hành vi kinh doanh dịch vụ ăn uống, bày, bán hàng hóa bị xử phạt theo điểm c khoản 3 Điều 15 sửa đổi tại Nghị định 71/2012/NĐ-CP, với mức phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
  2. Hành vi để xe đạp, xe máy ở hè phố trái quy định của pháp luật bị xử phạt theo điểm e khoản 3 Điều 8 sửa đổi tại Nghị định 71/2012/NĐ-CP, với mức phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng.
  3. Hành vi để xe ở lòng đường đô thị, hè phố trái quy định của pháp luật bị xử phạt theo điểm đ khoản 3 Điều 9 sửa đổi tại Nghị định 71/2012/NĐ-CP, với mức phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.

Những hướng dẫn cơ bản để được cấp giấy phép sử dụng vỉa hè

1. Hồ sơ cần chuẩn bị

1.1. Giấy tờ phải xuất trình (mang theo khi nộp hồ sơ)

Một trong các loại giấy tờ tuỳ thân sau: hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng.

1.2. Giấy tờ phải nộp

  1. Đơn đề nghị cấp Giấy phép sử dụng tạm thời của tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng một phần vỉa hè (Mẫu trong link bên dưới).
  2. Bản vẽ vị trí mặt bằng đề nghị cấp phép của tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng tạm thời một phần vỉa hè. Bản vẽ phải thể hiện rõ vị trí sử dụng, kích thước sử dụng (Mẫu trong link bên dưới).
  3. Văn bản pháp lý khác (nếu có) liên quan đến nhu cầu của tổ chức, cá nhân xin cấp phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè.

Tải mẫu hồ sơ tại đây.

2. Nơi nộp hồ sơ

Nộp hồ sơ và nhận kết quả trực tiếp tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân Quận, Huyện. Thời gian nộp hồ sơ: từ thứ hai đến thứ sáu (buổi sáng 07:30 – 11:30, buổi chiều 13:00 – 17:00) và sáng thứ bảy (từ 07:30 – 11:30).

  • Trường hợp hồ sơ hợp lệ và đầy đủ theo quy định thì cấp Biên nhận hồ sơ;
  • Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ, công chức được phân công tiếp nhận hướng dẫn bằng văn bản cho người nộp hồ sơ bổ sung và hoàn thiện hồ sơ theo quy định.

3. Thời hạn giải quyết

Thông thường là 4-10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, tuỳ Quận, Huyện (không bao gồm thời gian chủ đầu tư chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ).

4. Ai có thẩm quyền cấp giấy phép?

Chủ tịch UBND Quận, Huyện ký duyệt cấp phép hoặc Chủ tịch UBND Quận, Huyện có thể uỷ quyền cho Trưởng Phòng Quản lý đô thị Quận, Huyện ký uỷ quyền.

5. Thời hạn hiệu lực của giấy phép

Không quá 6 tháng mỗi lần cấp và có thu phí khi sử dụng.

6. Lệ phí

Tùy theo diện tích vỉa hè sử dụng và thời gian sử dụng vỉa hè. Khoản phí này sẽ được dùng để duy tu sửa chữa những khu vực vỉa hè bị hư hỏng.

7. Cơ quan quản lý chức năng

Phòng Quản lý đô thị Quận, Huyện.

Bài học kinh nghiệm

Hãy lưu ý về diện tích vỉa hè khi khảo sát để thuê mặt bằng. Quan sát khu vực xung quanh cùng tuyến đường xem tình trạng để xe trên vỉa hè như thế nào để cân nhắc liệu có được phép để xe trên vỉa hè hay không. Nên nhớ tầm quan trọng của chỗ để xe trong kinh doanh F&B thời giá mặt bằng đắt đỏ này.

Hãy nhớ liên hệ chính quyền địa phương để được cấp phép sử dụng vỉa hè tạm thời để làm khu vực để xe. Chỉ có như vậy bạn mới yên tâm kinh doanh lâu dài được, còn nếu không bạn dễ bị làm phiền, gián đoạn quá trình kinh doanh.

Nguồn: Đỗ Duy Thanh